Tây Trà: Đi XKLĐ có tiền xây nhà, mua bò

08:05, 12/05/2010
.

(QNĐT) - Nhờ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà nhiều gia đình ở huyện Tây Trà đã có tiền mua xe, tivi và xây được nhà. Với thu nhập khi đi XKLĐ từ 4-6 triệu đồng/tháng đã thật sự hấp dẫn và trở thành sự lựa chọn của nhiều thanh niên trong huyện.

* Đi XKLĐ 1 tháng thu nhập nhiều hơn 365 ngày làm rẫy

Trong ngôi nhà vừa mới sửa lại khá khang trang nằm ngay bên Tỉnh lộ 622B đi qua xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, sau một hồi bấm ngón tay nhẩm tính, ông Hồ Xuân Nguyên, cha em Hồ Thị Nhiên, hiện đang lao động tại Malaysia khoe: Tính đến nay thì nó đi làm ăn ở nước ngoài được khoảng 1 năm rồi. Số tiền nó gởi về tao đã trả được hết nợ cho nhà nước, rồi mua ti vi, sửa nhà…

Còn bà Hồ Thị Lý, mẹ của lao động Hồ Văn Hậu (cùng đợt đi với Nhiên), thì hớn hở: Còn tao thì mua 2 con bò nuôi và giờ đã đẻ thêm được 2 con nữa.

Còn nhớ vào thời điểm mà Quyết định 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29/4/2009, của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định  71) được triển khai tại Quảng Ngãi vào giữa năm 2009,  trong khi các huyện khác vẫn đang loay hoay thì xã Trà Khê đã có gần 60 lao động đã đăng ký đi XKLĐ, dù cách đó chưa đầy 1 tháng, chuyện này đối với người dân nơi đây vẫn quá mới và xa lạ.

Nhiều gia đình ở Tây Trà có được nhà mới nhờ có người đi XKLĐ gởi tiền về.
Nhiều gia đình ở Tây Trà có được nhà mới nhờ có người đi XKLĐ gởi tiền về.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Hồ Văn Thanh, ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh, cha của lao động Hồ Thị Vân, đang lao động tại Malaysia, nhớ lại: Hồi đầu khi cán bộ xã, thôn đến vận động cho nó đi XKLĐ tao không đồng ý. Vì từ nhỏ đến giờ ngoài đến trường ở xã, huyện học cái chữ, rồi cùng tao lên nương trồng lúa… nó có bao giờ đi đâu xa. Thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy cán bộ nói đúng quá. Tiền đi XKLĐ một tháng của nó gởi về còn nhiều hơn tao ở nhà làm rẫy cả năm.

*Những nỗ lực đáng ghi nhận

Nếu chỉ nhìn vào 32 lao động đã đi và 14 lao động hiện đang hoàn tất thủ tục để “bay” sau hơn 1,5 năm kể từ khi triển khai thực hiện Quyết định 71/ QĐ-CP ở Tây Trà thì đây là một con số khá khiêm tốn, thậm chí có người còn cho rằng chỉ là “con số lẻ” so với 2 huyện đàn anh về XKLĐ là Sơn Hà và Trà Bồng.

“Ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH Tây Trà cho biết: Tính từ đầu năm 2009 đến nay, ngân hàng đã giải ngân vốn vay theo theo đề án “Hỗ trợ huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020 (Quyết định 71/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2009), cho 32 lao động ở địa phương, với mức từ 19-24 triệu đồng/người.

Mặc dù thời hạn trả nợ là 3 năm, thế nhưng mới qua hơn 1 năm đã có gần 1/3 trong số lao động trên gởi tiền về cho gia đình trả hết nợ vay. Số lao động còn lại cũng đã trả từ 7-15 triệu đồng/người, với tổng số tiền gần 130 triệu đồng. Hiện ngân hàng cũng đã hoàn tất thủ tục để cho 14 trường hợp khác vay đi XKLĐ”.
Thế nhưng với một địa phương “sinh sau, đẻ muộn” và thuộc vào vùng “thâm sơn cùng cốc” nhất so với các huyện miền núi khác của Quảng Ngãi thì kết quả đó là một sự cố gắng rất lớn từ chính quyền và các cấp ngành của Tây Trà trong việc “nhập cuộc” đối với vấn đề XKLĐ. Ngay cả ngân hàng cũng xoắn tay vào cuộc. Ông Trần Duy Cường, Giám đốc NHCS XH huyện tâm sự: Để tạo thuận lợi và giúp cho số lao động đăng ký đi XKLĐ, không chỉ nhân viên mà cả bản thân cũng trèo non, lội suối xuống tận thôn, bản để giải đáp, tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn.

Không ít lần gặp mưa bão, đường bị sạt lở phải lội bộ 3-5 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nhiều trường hợp lao động lúng túng làm sai mà thời gian gấp, nên cán bộ ngân hàng phải thức trắng đêm chỉnh sửa cho kịp.

Đó là chưa nói đến chuyện nhiều trường hợp chưa có CMND nên không thể làm các thủ tục vay vốn, nên cán bộ ngân hàng đành phải kiêm luôn thợ chụp ảnh, sau đó đem xuống tận TP.Quảng Ngãi rửa và liên hệ với cơ quan C.A huyện làm giúp.

Có thể nói sự chung tay vào cuộc từ các cấp ngành của Tây Trà đã từng bước đưa việc XKLĐ ở huyện ngày đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
                    Bài, ảnh: Công Hoàng

.