Mô hình “Thư viện treo” tại Trường Tiểu học Thiềng Đức (phường 5, TP Vĩnh Long) đang trở thành giải pháp hữu ích cho việc đọc và học của các em học sinh. Đến nay, mô hình này bắt đầu phổ biến tại nhiều trường tiểu học ở ĐBSCL.
Giờ ra chơi tại Trường Tiểu học (TH) Thiềng Đức thật nhộn nhịp. Bên cạnh những trò chơi như nhảy dây, trốn tìm… chúng tôi còn thấy nhiều HS ngồi xung quanh bồn cây chăm chú đọc sách lấy từ những ống tre treo trên cành cây.
Thầy Võ Phước Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường TH Thiềng Đức cho biết: “Mô hình này bắt đầu từ… Thái Lan. Trong một chuyến công tác sang Thái, cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, nguyên hiệu trưởng nhà trường đã đem về áp dụng”. Do ống đựng sách được treo lơ lửng trên những cành cây nên được gọi là Thư viện treo.
Thầy Thọ cho biết: “Ban đầu chúng tôi dùng ống tre, chai nhựa… đựng sách. Nhưng vào mùa mưa, tre thấm nước làm ướt sách. Thêm vào đó, ống tre bọng cũng khó tìm. Cuối cùng, chúng tôi quyết định dùng ống nhựa sơn nhiều màu: xanh, đỏ, vàng, trắng… để làm ống sách”.
Sân Trường TH Thiềng Đức có 6 bồn cây, được trang bị khoảng 160 ống sách. Các ống này được cột dây treo lủng lẳng từ các cành cây điệp thả xuống vừa tầm tay học sinh và được bố trí xung quanh gốc cây có bóng mát. Ống cao, ống thấp với nhiều màu sắc lẫn lộn, tạo nên không gian rất bắt mắt và thu hút sự chú ý của các em.
“Sách phục vụ các em chiếm đa số là truyện cổ tích và nhiều loại báo phù hợp với lứa tuổi như Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng… Sách được phân loại theo chủ điểm của tháng và quy định để trong ống màu nào để các em dễ tìm đọc”, thầy Thọ cho biết thêm.
Các em học sinh đang đọc sách từ thư viện treo. |
Em Khưu Nhựt Đăng, học sinh lớp 2/2, hồn nhiên: “Con khoái đọc truyện nhưng ở nhà không có. Vào trường, giờ ra chơi là con chạy ra gốc cây lấy truyện cổ tích đựng trong ống nhựa đọc rồi kể lại cho mấy bạn khác nghe”.
Từ thành công của thư viện treo, đến nay, Vĩnh Long có gần 100 trường TH và trung học cơ sở triển khai thực hiện mô hình này. Các địa phương khác ở ĐBSCL như Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang… cũng đến Trường TH Thiềng Đức học tập mô hình và đem về áp dụng tại trường mình.
Phó Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) Ký Liêm hồ hởi: “Hiện nay toàn trường có 50 ống sách với nhiều loại sách phong phú. Từ ngày triển khai thư viện treo tại trường, số lượng học sinh đọc sách tăng lên rõ rệt, giúp các em dung nạp thêm nhiều kiến thức”.
Thầy Nguyễn Văn Triệu, giáo viên phụ trách thư viện Trường Dân tộc nội trú huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Trường có khoảng 170 HS từ lớp 6 đến lớp 9. Giờ ra chơi, gần cả trăm em tìm đến thư viện treo đọc các loại báo như: Thiếu nhi dân tộc, báo Khmer… Mô hình này góp phần phục vụ việc học cho các em vùng sâu, vùng xa; đồng thời giúp các em tiếp cận được nhiều tri thức bên ngoài. Trường thay đổi báo thường xuyên, giúp HS cập nhật nhiều tin tức”.
Một điều mà nhiều giáo viên tại các trường áp dụng mô hình thư viện treo đều công nhận là số lượng HS đọc sách tăng đáng kể và kỹ năng đọc của các em tốt hơn. Việc đọc sách từ thư viện treo đã nâng cao chất lượng học tập của HS. Bộ môn tiếng Việt có số lượng học sinh giỏi tăng, đặc biệt là có nhiều em đoạt giải thưởng trong các kỳ thi kể chuyện theo sách, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Thư viện treo ngoài việc giúp các em đọc sách, còn khuyến khích HS biết chia sẻ niềm vui với HS nghèo thông qua hình thức tặng lại các đầu sách báo cũ. Từ thành công của thư viện treo, trong năm học 2009 – 2010, Sở GD-ĐT Vĩnh Long còn triển khai mô hình “thư viện trong thùng” ở các trường trung học cơ sở.
Thư viện thùng gồm những chiếc thùng làm bằng tole, thiếc, phía sau trang trí nhiều biểu tượng vui mắt, được đặt rải rác trong sân trường, dưới các gốc cây có bóng mát… xung quanh bố trí băng ghế đá để học sinh ngồi đọc sách.
Việc thành lập một thư viện sách “xanh và sạch” như thư viện treo hay “thư viện trong thùng” đã giúp HS vùng sâu đọc và làm quen với sách báo.
Theo SGGPO