(Baoquangngai.vn)- Cách nay tròn 50 năm, với sự lật lọng của chính quyền Nixon về Hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, buộc quân và dân ta bước vào một cuộc chiến trên bầu trời miền Bắc. Quân và dân ta đã làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" chấn động nước Mỹ và thế giới lần thứ 2, buộc chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định Paris. Đây là thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta, đã để lại những bài học lớn về ý chí, tinh thần Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Sự lật lọng của chính quyền Nixon
Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch Lam Sơn 719 (chiến dịch Đường 9 – Nam Lào) vào đầu năm 1971 và chiến dịch Xuân – hè 1972 của liên quân Mỹ - quân đội Sài Gòn, đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Nước Mỹ đối mặt với sự phản đối của dư luận quốc tế và trong nước về cuộc chiến tranh Việt Nam. Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu phải giải quyết nếu Nixon muốn trúng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào 11/1972.
Trước thời cơ thuận lợi này, đầu 10/1972, phái đoàn ta ở Hội nghị Paris chủ động đưa ra bản dự thảo hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam sau nhiều năm đàm phán. Ngày 22/10/1972, Tổng thống Mỹ gửi thông điệp cho Thủ tướng Chính phủ ta hứa hẹn có thể ký hiệp định chính thức vào ngày 31/10/1972.
Xác máy bay B52 của Mỹ bị lực lượng phòng không của ta bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. (ảnh Tư liệu). |
Tuy nhiên với bản tính tráo trở, phía Mỹ tìm m
ọi cách
trì hoãn việc ký hiệp định để chờ đến khi kết thúc cuộc
bầu cử ở Mỹ. Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 2 vào 8/11/1972, R.Nixon trắng trợn lật lọng, đòi phải sửa chữa lại 126 điểm trong bản dự thảo hiệp định mà trước đó đã thỏa thuận với ta. Đồng thời, ráo riết tiến hành bước phiêu lưu mới với chiến dịch không quân phá hoại miền Bắc lần thứ 2.
Ngày 14/12/1972, với lời lẽ như một tối hậu thư, Tổng thống Mỹ gửi điện cho Chính phủ ta đòi trong vòng 72 giờ, phải trở lại bàn đàm phán ở Paris và phải chấp nhận những yêu cầu của Mỹ, nếu không Mỹ sẽ ném bom trở lại miền Bắc. Mục đích của chính quyền Nixon trong cuộc phiêu lưu cuối cùng ở Việt Nam là biện pháp quyết định hòng cứu nguy cho sự sụp đổ của quân đội VNCH - xương sống của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" đang sụp đổ.
Chính quyền Nixon đã tổ chức cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ
2 ra miền Bắc bằng chiến dịch tập kích chiến lược đường không "Linebecker II" vào cuối 1972, hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, uy hiếp, khuất phục ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đồng thời, dùng sức mạnh quân sự phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn nguồn tiếp tế của ta cho chiến trường miền Nam, giúp cho chính quyền Sài Gòn có điều kiện củng cố lực lượng, buộc Chính phủ ta phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ áp đặt thế mạnh lên Hội nghị Paris.
Phòng không nhân dân – "vạch nhiễu tìm thù"
Sự lật lọng của chính quyền Mỹ không nằm ngoài dự đoán của ta. Từ những năm 1960, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tình hình, dự báo đúng âm mưu, hành động leo thang tấn công miền Bắc và thủ đoạn kéo dài chiến tranh của đế quốc Mỹ. Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn lực lượng Phòng không - Không quân của ta: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Lực lượng phòng không - không quân của ta đã dạy cho Mỹ một bài học về sự ngạo mạn trên bầu trời Hà Nội năm 1972. (Tư liệu) |
Với nhận định thiên tài ấy, quân ta đã chuẩn bị cho cuộc đối đầu trên không trong thời gian dài. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động triển khai nghiên cứu địch, sớm chuẩn bị tinh thần và lực lượng, huấn luyện, thử nghiệm và tìm cách đánh phù hợp. Bộ đội rada và tên lửa đã vượt mọi khó khăn, thử thách, phát huy trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ tích cực nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”; bày ra “lưới lửa” dày đặc, nhiều tầng lớp để sẵn sàng tiêu diệt siêu pháo đài bay B-52. Cùng với đó là thực hiện chiến thuật phòng không nhân dân ở những tỉnh thành trọng điểm ở miền Bắc, sẵn sàng đạp tan cuộc phiêu lưu của đề quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
Sức mạnh Mỹ
tan tác trên bầu trời Hà Nội
Cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh, với các phương tiện, khí tài quân sự hạng nặng, hiện đại bật nhất mọi thời đại. Với kỹ thuật điện tử siêu hạng và những thông số ấn tượng của siêu pháo đài bay B52, gần như tàng hình trước rada mặt đất của ta, người Mỹ cho rằng, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống rada, vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng không của ta. Và những pháo đài bay của chúng có thể ném bom vào bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ miền Bắc.
Trong 12 ngày đêm, từ 18-29/12/1972, Mỹ đã xuất kích 4.547 lần chiếc máy bay, trong đó có 663 lần B-52 đánh phá miền Bắc. Chúng đã trút khoảng 80.000 tấn bom đạn, gây tổn thất nặng nề cho Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, xí nghiệp khác…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo Quân chủng Phòng Không – không quân của ta chuẩn bị cho phương án tiêu diệt B52 của Mỹ vào năm 1972. (Tư liệu). |
Trong chiến dịch này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định, nếu máy bay B-52 rơi từ 1-2% thì Mỹ vẫn có thể chịu được. Nếu rơi đến 6-7% thì Nhà trắng sẽ rung chuyển. Còn nếu rơi trên 10% thì Mỹ sẽ chính thức đầu hàng. Qua cuộc chiến 12 ngày đêm, lực lượng phòng không - không quân ta bắn rơi 34 trong tổng số 193 chiếc B52 mà Mỹ huy động, chiếm hơn 17%, khiến cả nước Mỹ chấn động. Buộc chính quyền Nixon chấm dứt ném bom, ngồi vào bàn đàm phán để ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973 về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
50 năm đã qua, "Hà Nội- Điện Biên phủ trên không" 12 ngày đêm là bản hùng ca vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Qua đó, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng về chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam.
X.THIÊN