(Báo Quảng Ngãi)- Qua 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, giai đoạn 2009 - 2019, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng khu vực biên giới biển (KVBGB) vững mạnh. Tuy nhiên, địa bàn KVBGB của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), ô nhiễm môi trường, thiên tai... tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện 25 xã biên giới biển của tỉnh có 73 nghìn hộ/230.712 nhân khẩu. Những năm qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách "ưu tiên phát triển kinh tế biển" đã làm cho diện mạo nông thôn đổi mới, hệ thống chính trị vững mạnh, kinh tế-xã hội phát triển, củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, mở rộng quy chế dân chủ ở cơ sở...
Công tác dân vận biên phòng tiếp tục được đẩy mạnh bằng nhiều nội dung, hình thức hiệu quả hơn. |
Cùng với những thành quả đó, KVBGB vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2009 đến nay, ANTT ở KVBGB nổi lên nhiều vấn đề nóng như: Tranh chấp khiếu kiện đông người, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường.
Điển hình như vụ việc người dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) tập trung phản đối dự án nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn ở Cửa Đại; vụ Nhà máy Xi măng Đại Việt gây ô nhiễm môi trường, vụ Nhà máy Xử lý rác thải MD ở Phổ Thạnh (Đức Phổ)... Bên cạnh đó, một bộ phận ngư dân ta vi phạm chủ quyền vùng biển các nước khi khai thác hải sản; việc hành nghề trên biển của ngư dân bị tàu nước ngoài ngăn cản, đâm va, bắt giữ, tịch thu tài sản, phạt tù, phạt tiền... chưa giảm; tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, vùng biển để thăm dò, khai thác tài nguyên vẫn thường xuyên xảy ra và có chiều hướng phức tạp hơn...
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhận thức về chủ quyền và trách nhiệm, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ. Sự phối hợp trong thực hiện các quy định của pháp luật về biên giới giữa một số ngành, lực lượng với BĐBP chưa thật chặt chẽ, kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, nhất là những văn bản pháp quy về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nói riêng của một số ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Trung Tập cho rằng: Cần phải coi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng chương trình giáo dục pháp luật cho ngư dân phải có tính đặc thù, nhấn mạnh đến truyền thống kiên cường, dũng cảm trong bảo vệ chủ quyền của ngư dân. Nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân phải thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu.
Nhằm đảm bảo ANTT trên tuyến biển đảo của tỉnh, trong thời gian đến, theo lãnh đạo Công an tỉnh thì cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo ANTT tuyến biển, đảo; phối hợp giải quyết tốt nhiệm vụ diễn tập vận hành cơ chế khu vực phòng thủ tuyến biển, đảo; diễn tập ứng phó với động đất, sóng thần, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường; phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc có yếu tố phức tạp, nhất là khiếu nại, tập trung đông người kéo dài; nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI, quản lý xuất nhập cảnh; đảm bảo an toàn giao thông, cháy, nổ; đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm...
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Hòa cũng đề nghị, các cấp chính quyền cần hỗ trợ kinh phí để duy trì, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tỉnh hình mới” và củng cố các loại hình tự quản khác đã phát huy hiệu quả trên thực tế.
Bài, ảnh: X.THIÊN