(Báo Quảng Ngãi)- Để đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 29.11.2006, Bộ Công an thành lập Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường. Trên cơ sở đó, năm 2006, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh cũng đã được thành lập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vượt qua nhiều khó khăn, 10 năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị đã rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động kiểm tra, phát hiện 1.036 vụ, 1.175 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Xử lý hành chính 975 vụ, 1.091 đối tượng với số tiền gần 5 tỷ đồng; khởi tố điều tra 61 vụ, 84 bị can.
Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra một cơ sở sản xuất nghi xả chất thải bẩn ra môi trường vào ban đêm. |
Đơn vị còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình “Quần chúng tự quản về bảo vệ rừng và động vật quý hiếm”; tổ chức phát phiếu khảo sát về bảo vệ môi trường đến 400 cơ quan, 900 cá nhân, in, phát 50 nghìn tờ rơi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, gắn với phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Xây dựng kế hoạch tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ký kết với Ban Quản lý KKT Dung Quất về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Tổ chức 3 đợt tập huấn chuyên sâu về phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm cho CBCS môi trường toàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài KKTDung Quất có 70/111 dự án đi vào hoạt động, còn có 4 KCN, trong đó KCN Quảng Phú có 40/42 dự án, KCN Tịnh Phong có 33/41 dự án được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động 11 cụm công nghiệp với 96 dự án đăng ký đầu tư và đi vào sản xuất; và có trên 5 nghìn cơ sở ở các làng nghề đang hoạt động...
Để vừa thu hút đầu tư và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã chú trọng đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, đó là: Gắn trách nhiệm của cấp ủy cơ sở trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, bởi nếu cấp ủy cơ sở không thực sự quan tâm thì các giải pháp về bảo vệ môi trường không thể đi vào cuộc sống.
Qua đó, tiếp tục củng cố, nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức của CBCS làm công tác bảo vệ môi trường; cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; quy hoạch và xây dựng các công trình xử lý rác thải tập trung theo vùng, cụm xã; hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều biện pháp công tác trong phòng, chống tội phạm về môi trường. Trong đó, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã hội tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý, đình chỉ ngay các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, không để các cơ sở thải các chất thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhân dân”.
Mười năm không phải là chặng đường dài, nhưng đó là khoảng thời gian mà tập thể CBCS Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong công tác bảo vệ môi trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: VĂN NAM