(Báo Quảng Ngãi)- Những người nhận nhiệm vụ bảo vệ tàu cá của ngư dân sau những chuyến ra khơi, hay trong mùa biển động luôn vất vả với nghề mà mình đã chọn...
[links()]
Tàu vào, người ra
Sau nhiều ngày mưa rả rích, trời lại nắng. Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), tàu thuyền neo đậu san sát, cờ Tổ quốc tung bay, rợp cả một khúc sông dài. Đây đó tiếng í ơi gọi nhau của ngư dân lấy đá, dầu và thực phẩm chuẩn bị cho ngày ra khơi.
Những con tàu neo đậu ở Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đều được những người giữ tàu trông giữ suốt ngày đêm. ẢNH: PHẠM ANH |
Ở lại trên bờ, tôi nghe chủ cơ sở mua bán, sửa chữa linh kiện ghe tàu cho biết, ở cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa có chừng 5 - 7 nhóm trông coi tàu thuyền, mỗi nhóm có từ 5 - 7 người, trông coi khoảng 20 - 30 chiếc tàu. Hằng ngày, khi những chiếc tàu cá vào bờ, chủ tàu cá về nhà ở các địa phương, giao tàu lại cho những người trông giữ tàu cá ở đây. Mỗi tàu 2 người, cầm theo mô tơ sục đến tận khoang máy để hút nước, làm vệ sinh dầu mỡ. Sau đó, lên trên boong lấy nước rửa sạch vết bẩn, mùi tanh hải sản đọng lại trên tàu sau chuyến hải trình đánh cá. Mùa mưa bão, họ túc trực thuyền xuyên trên tàu, bởi nhiều tàu cá hay bị nước vào khoang máy. "Nếu ngày thường mỗi ngày hai bận sáng và chiều hút nước, thì mùa mưa cứ 2 - 3 giờ hút nước một lần", anh Đoàn cho biết. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do mưa kéo dài, những người giữ tàu hầu như không đi đâu. Nếu có đi thăm, chúc Tết thì phân công một nửa ở lại giữ tàu. Công việc vất vả nhưng thu nhập của lao động giữ tàu chỉ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Tàu cũng là nhà
Giữa trưa, trời nắng gắt. Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa vắng bóng người ra vào. Từ xa, một người đàn ông da ngăm đen, bị tật ở chân, từ dưới thuyền lên cầu cảng. Phần lớn người giữ thuyền ở đây có nhà ở xã Tịnh Hòa, còn người đàn ông này là Phạm Tưởng (45 tuổi), quê xã Bình Hải (Bình Sơn). Anh Tưởng cho biết, lúc nhỏ mình bị bệnh teo cơ. Đi biển cũng được, có điều di chuyển hơi chậm so với anh em. Hơn 10 năm trước, có ông anh rủ về Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa làm nghề giữ thuyền. Vậy là mình làm ở đây cho đến giờ.
Hằng ngày, anh Phạm Tưởng luôn ra - vào cầu cảng để bảo vệ tàu cho ngư dân. ẢNH: PHẠM ANH |
Những người làm nghề giữ tàu cho biết, có nhiều chủ tàu kinh tế khó khăn nên không trả tiền cho người trông coi tàu. Khoảng 4 năm trước, khi nhiều tàu giã cào, tàu khai thác câu, xa bờ, lưới mùng... làm ăn thua lỗ, đã neo đậu tại đây và nhờ trông giữ. Thông thường, họ giữ thuyền vào mùa nắng từ ngày 13 - 18 âm lịch hằng tháng; mùa mưa từ tháng 8 đến cuối tháng 11 âm lịch. Mỗi ngày giữ tàu được 40 - 50 nghìn đồng/tàu. Có điều với những con tàu giã cào nói trên, chủ tàu đi biền biệt. Trong khi đó, những người giữ tàu ngày nào cũng cọ rửa, làm nước, bảo vệ để khỏi mất trộm, chống cháy nổ. "Bỏ thì rủi tàu chìm biết ăn nói làm sao. Vì chỉ 5 tháng không làm nước, tàu chìm ngay. Còn bảo vệ, giữ tàu miết mà không có tiền thì mình biết sống thế nào", ông Phạm Ngọc Anh (72 tuổi) thở dài.
Ông Anh cho biết thêm, 3 năm trước, ngoài trông coi, tôi và anh em còn bỏ ra hàng chục triệu đồng để hút nước làm sạch khoang tàu, trả tiền điện nước, mua bạt che, chống tàu hư hỏng. Mùa mưa, tàu bị ngấm nước, phải tát múc thường xuyên, nếu không tàu sẽ chìm. Làm như vậy, ông Anh và hàng chục người trông coi tàu ở đây hy vọng một ngày nào đó các chủ tàu quay về, sẽ tính cả vốn lẫn lời. Có chủ tàu, khi liên lạc, họ bảo cứ giữ đó, mai mốt qua lấy tàu rồi trả tiền, nhưng đợi mãi không thấy đâu. Năm 2022, khi ngân hàng đến phát mại tàu, làm hợp đồng giữ tàu, khi bán tàu thì chỉ được trả tiền kể từ khi làm hợp đồng, còn 3 - 4 năm trông coi xem như theo con nước ra biển. "Mình chỉ hợp đồng miệng, nên họ không trả, mình đành chịu", một người giữ tàu cho biết.
Khi tàu cá vào cảng, những người làm nghề giữ tàu phải làm vệ sinh và trông coi tàu. ẢNH: PHẠM ANH |
PHẠM ANH