Sớm kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở

07:01, 21/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi mạng lưới thú y cơ sở được sáp nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) cấp huyện đã phát sinh một số bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.   
[links()]
 
Phát sinh bất cập
 
Với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, từ đầu năm 2019, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập trung tâm DVNN trên cơ sở sáp nhập các đơn vị, gồm: Trạm chăn nuôi và thú y; trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật; trạm khuyến nông. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhất là ngành chăn nuôi và thú y. Nguyên nhân là sau khi sáp nhập, trung tâm DVNN lúng túng, bị động, thậm chí không xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hoạt động đối với mạng lưới thú y cơ sở.
 
Hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở giảm sút, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.  ẢNH: MỸ HOA
Hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở giảm sút, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. ẢNH: MỸ HOA
Toàn tỉnh hiện có 109/148 xã, phường, thị trấn có nhân viên thú y cơ sở nhưng hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm, không có chuyên môn. Thậm chí có địa phương còn bố trí cán bộ địa chính, công an viên kiêm nhiệm lĩnh vực thú y. Điều này không chỉ giảm hiệu lực quản lý, mà còn ảnh hưởng đến công tác kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.  
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết, trước năm 2019, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh được duy trì theo 3 cấp, gồm: Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở NN&PTNT); trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố (thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) và mạng lưới thú y viên cơ sở (do trạm thú y cấp huyện quản lý, hướng dẫn về chuyên môn). Vì vậy, công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thú y ở cấp xã được đảm bảo đúng quy định của Luật Thú y. Hệ thống thú y trong tỉnh được củng cố, nâng cao về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... không xảy ra ở quy mô lớn, một số dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời.
 
Tuy nhiên, từ khi thực hiện mô hình sáp nhập dẫn đến sự chồng chéo trong điều hành, giảm hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Công tác giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh chậm; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không kịp thời vì thiếu nhân lực. Đây là một trong những nguyên nhân làm bùng phát, lây lan dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn vật nuôi trong thời gian vừa qua tại các địa phương.
 
Cần sớm kiện toàn mạng lưới thú y 
 
Trước những bất cập nêu trên, đầu năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh có hướng kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 27/10/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1682/QĐ-UBND về việc thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ có 1 nhân viên thú y, mỗi xã có không quá 3 cộng tác viên thú y, mỗi phường có không quá 2 cộng tác viên thú y. Đây là cơ sở để kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý chuyên ngành thú y toàn tỉnh, góp phần tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
 
Hơn 1 năm kể từ khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch, hầu hết trung tâm DVNN các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hoạt động đối với mạng lưới thú y cơ sở. Các sở, ngành liên quan cũng lúng túng trong quá trình kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở, bởi nếu ngành thú y thực hiện 2 cấp là trung ương và tỉnh như hiện nay thì trái với Luật Thú y (yêu cầu 4 cấp từ trung ương đến cấp xã); còn nếu tách ra để thực hiện 4 cấp thì trái với những quy định hiện hành. Do vậy, hiện nay các xã, phường, thị trấn vẫn khuyết nhân viên thú y chuyên trách, hoặc bố trí cán bộ kiêm nhiệm lĩnh vực thú y nhưng không có chuyên môn.
 
Ông Ngô Hữu Hạ cho rằng, cùng với công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn đối với nhân viên thú y cơ sở, cần hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y theo Luật Thú y. Có như vậy mới bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
 
MỸ HOA
 
 

.