Những người không nghỉ Tết

07:01, 21/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau một năm làm việc, ai cũng mong dành thời gian những ngày nghỉ Tết để sum họp, vui chơi, du xuân bên gia đình, người thân. Thế nhưng, vì đặc thù công việc, có những người không nghỉ Tết, thậm chí khối lượng công việc trong những ngày đầu năm mới còn nhiều gấp 2, 3 lần so với ngày thường.
[links()]
 
Thầm lặng làm tròn vị Tết
 
Những ngày cuối năm Nhâm Dần 2022, chúng tôi gặp đầu bếp Nguyễn Văn Bỉ (29 tuổi) đang chuẩn bị các nguyên liệu, gia vị tại nhà hàng Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi). Thời gian này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các buổi tiệc cuối năm tri ân đồng nghiệp, nhân viên nên công việc của đầu bếp tất bật hơn. “Đối với nghề đầu bếp, những ngày cuối năm, ngày Tết, lễ là thời gian phục vụ lượng khách đến rất đông. Gắn bó với công việc đầu bếp từ năm 2017, là cũng ngần ấy năm tôi không có thời gian về đón Tết cùng gia đình ở quê nhà Bình Định”, anh Bỉ cho hay.
 
Chọn nghề đầu bếp, anh Nguyễn Văn Bỉ, quê ở Bình Định, làm việc tại nhà hàng Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi) đã gác lại thời gian cho gia đình để làm việc xuyên Tết.
Chọn nghề đầu bếp, anh Nguyễn Văn Bỉ, quê ở Bình Định, làm việc tại nhà hàng Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi) đã gác lại thời gian cho gia đình để làm việc xuyên Tết.
Nhớ lại năm đầu tiên không về nhà đón Tết, anh Bỉ bộc bạch, nghề đầu bếp nhà hàng luôn làm việc đến 30 tháng Chạp, rồi chỉ nghỉ ngày Mùng 1, đến Mùng 2 Tết trở lại với công việc. Lần đầu tiên không về quê đón Tết cùng gia đình, tôi nhớ không khí sum họp người thân, cảm giác cũng nghẹn lòng. Có năm, cha mẹ ở quê gọi điện hỏi Tết này con có về không, khi nghe tôi trả lời không về được, giọng cha mẹ cũng hơi buồn vì lo công việc của con vất vả. Tôi cũng chia sẻ với cha mẹ và sắp xếp thời gian về thăm gia đình dịp khác. Ngày Tết, ai cũng mong được sum vầy bên người thân, nhưng khi đã chọn nghề dịch vụ thì bên cạnh lòng yêu nghề, đam mê ẩm thực, còn phải có trách nhiệm với công việc.
 
Trong những ngày vui Xuân, đón Tết, nhiều gia đình, du khách thường chọn các nhà hàng, điểm dịch vụ để cùng ăn uống, trò chuyện. Với những người làm các công việc dịch vụ như đầu bếp, phục vụ, lễ tân, những ngày nghỉ của khách hàng, chính là ngày làm việc cao điểm của họ. Chọn ở lại với công việc, họ đã góp phần làm tròn hương vị ngày Tết cho nhiều người. “Dẫu mệt nhưng khi chứng kiến các gia đình đến ăn uống trong không khí hân hoan, tôi cảm thấy đó là niềm vui của công việc mình đang làm”, anh Bỉ bày tỏ. 
 
Giữ gìn công viên hoa tươi đẹp
 
Năm nào cũng vậy, vườn hoa công viên Ba Tơ (TP.Quảng Ngãi) luôn là điểm đến du xuân của nhiều gia đình trong tỉnh. Từ giữa tháng Chạp, nhiều giỏ hoa, chậu hoa các loại được chở về công viên; đồng thời, công nhân của Công ty CP Môi trường Đô thị được tăng cường tập trung về đây trang trí, sắp xếp các tiểu cảnh. Trong đó, thành viên của Đội bảo vệ phải làm xuyên Tết để bảo vệ các tiểu cảnh, trật tự trong khuôn viên từ lúc hình thành cho đến khi dọn dẹp vườn hoa. Đội tưới nước, vệ sinh cũng làm việc xuyên Tết tại vườn hoa.
 
Kể từ khi công viên Ba Tơ được chọn trang trí là điểm du Xuân, đón Tết, năm nào ông Nguyễn Văn Chiến (54 tuổi), công nhân của Đội thoát nước cũng được tăng cường làm bảo vệ vườn hoa. Đội bảo vệ gồm 14 thành viên được chia làm 2 nhóm, trực theo ca (1 ngày, 1 đêm rồi đổi ca). “Công việc chính của chúng tôi là trực tại các cổng, ngăn không cho xe máy di chuyển vào trong, hướng dẫn du khách đến vui chơi, tham quan các tiểu cảnh, nhắc nhở không ngắt lá, bẻ cành, giẫm đạp lên các tiểu cảnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kịp thời nhắc nhở thanh niên không được chơi đánh bài, cá cược trong khuôn viên. Những ngày Tết, ai cũng mong được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình nhưng trách nhiệm với công việc nên cố gắng thực hiện tốt. Điều thuận lợi là các nhóm trực theo ca, nên chúng tôi sắp xếp thời gian dành cho gia đình vào ngày nghỉ trực để đưa vợ con đi du xuân, thăm người thân, bạn bè”, ông Chiến cho hay. 
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
 

.