Tịnh Khê: Ngư dân khó khăn do làm ăn thua lỗ

09:11, 11/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ tại làng chài Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đang cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay vốn đầu tư duy trì nghề biển...
 
[links()]
 
Trong ngôi nhà tiền tỷ xây dựng vào năm 2015, bà Trần Thị Giã (49 tuổi), ở làng chài Khê Tân tâm sự, năm 2015, vợ chồng tôi làm ăn khấm khá lắm nên xây ngôi nhà này. Có nhà, có 2 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi năm thu về hơn một tỷ đồng, nên có nằm mơ tôi cũng không mường tượng được có một ngày, gia đình tôi nợ nần chồng chất, phải cầm cố sổ đỏ. Rồi 2 em của tôi cũng phải cầm cố sổ đỏ để giúp đỡ tôi.
 
Từ  chỗ sở hữu nhiều tàu cá nhất ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), nhưng hiện nay vợ chồng ngư dân Trần Văn Ba phải thế chấp ngôi nhà đang ở để vay tiền trả nợ.
Từ chỗ sở hữu nhiều tàu cá nhất ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), nhưng hiện nay vợ chồng ngư dân Trần Văn Ba phải thế chấp ngôi nhà đang ở để vay tiền trả nợ.
Làm nghề giã cào đôi, chuyên đánh bắt xa bờ, cặp tàu trị giá hơn 4 tỷ đồng của gia đình bà Giã từng là cặp tàu có sản lượng đánh bắt cao nhất nhì xã Tịnh Khê. Từ năm 2011 - 2017, bình quân mỗi năm, tàu của gia đình bà Giã đánh bắt trên biển từ 20 - 30 chuyến, thu về từ 200 - 500 tấn hải sản các loại. Nhưng từ năm 2017 đến nay, sản lượng đánh bắt liên tục sụt giảm, chỉ thu về bình quân từ 50 - 250 triệu đồng/chuyến, trong khi phí tổn nhiên liệu, lương thực và thuê lao động để vươn khơi luôn ở mức 200 - 250 triệu đồng/chuyến, khiến tàu cá của gia đình bà Giã liên tục thua lỗ. "Chuyến biển gần đây nhất, tàu của gia đình tôi vừa đi được 2 ngày thì phải quay về bờ, vì tàu bị hư hộp số. Phí tổn vươn khơi mất 70 triệu đồng, nhưng tiền cá bán chỉ được 15 triệu đồng, nên gia đình tôi lại tiếp tục lỗ 55 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với gia đình tôi lúc này, bởi chúng tôi đang nợ 1,5 tỷ đồng", bà Giã nói buồn.
 
Là ngư dân sở hữu nhiều tàu đánh bắt xa bờ nhất của xã Tịnh Khê, với 4 chiếc tàu làm nghề giã cào, ông Trần Văn Ba (47 tuổi) cũng từng là ngư dân có kinh tế khá giả của xã. Vậy mà, gia đình ông Ba cũng đang phải cầm cố giấy tờ nhà để vay tiền. "Năm 2011, gia đình tôi đóng 2 chiếc tàu, với tổng trị giá khoảng 4 tỷ đồng để đi biển. Thấy hiệu quả đánh bắt cao, năm 2014, vợ chồng tôi rủ thêm anh em hùn hạp, đóng tiếp 2 chiếc tàu nữa, với trị giá khoảng 7 tỷ đồng. Thế rồi, từ 2017 tới giờ, sản lượng cá giảm hẳn so với trước, trong khi tiền dầu, chi phí thuê bạn đi biển thì tăng liên tục. Từ năm 2019 đến nay, vợ chồng tôi phải vay mượn gần 1,5 tỷ đồng để bù lỗ và duy trì nghề...", bà Võ Thị Hồng Hoa (47 tuổi), vợ ông Ba, bùi ngùi nói.
 
Ngư dân làm ăn thua lỗ, nên từ 28 tàu đánh bắt xa bờ, làng chài Khê Tân hiện chỉ còn 18 tàu bám biển. "Ngày trước, hầu hết các ngư dân sở hữu tàu đánh bắt xa bờ tại Khê Tân đều là những ngư dân có thu nhập cao của địa phương. Còn giờ, hầu hết các chủ tàu này đều đang nợ nần, vì nghề giã cào nay đánh bắt không còn hiệu quả. Có một số chủ tàu, còn phải bán đất để trang trải nợ nần", Trưởng thôn Cổ Lũy Trần Đình Trọng cho biết.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.