(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm và thủy sản vẫn còn những bất cập.
[links()]
Vừa qua, 2 ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) và thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) làm 1.300 con vịt bị chết, tiêu hủy bắt buộc. Điều đáng nói là, số gia cầm này có trọng lượng từ 0,7 - 2,2kg/con, nghĩa là thời gian nuôi dài nhưng chưa được chủ hộ tiêm vắc xin phòng bệnh. Không chỉ trong chăn nuôi mà khâu tiêu thụ, giết mổ cũng còn nhiều bất cập. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có lò giết mổ gia súc gia cầm tập trung, nên không kiểm soát được nguồn gốc gia cầm cũng như vệ sinh ATVSTP thịt và các sản phẩm từ thịt.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất chả của bà Nguyễn Thị Thảo, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn). |
Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Nguyễn Đức Bình cho rằng, phần vì các cơ sở sản xuất chưa áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo quy định, phần do việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chính quyền các địa phương vẫn chưa tích cực trong công tác quản lý chất lượng ATVSTP nông sản. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các hoạt động kiểm tra, phân loại A, B, C và đánh giá mức lỗi theo quy định còn nhiều lúng túng, chế tài xử lý chưa rõ ràng. Theo quy định, cơ sở nào 2 năm liên tiếp xếp loại C thì buộc thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa doanh nghiệp để khắc phục, nhưng thực tế, việc xử lý vẫn chỉ “giơ cao đánh khẽ”.
Thực trạng trên đặt ra, đã đến lúc các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP nông, lâm, thủy sản. Các cơ sở vi phạm phải được xử lý cương quyết, nghiêm minh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi an toàn và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP. Xây dựng các mô hình kiểm soát ATVSTP và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao.
Đề án đảm bảo ATVSTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh đề ra mục tiêu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP. Ngoài ra, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP, hữu cơ...) tăng 10%/năm vào năm 2025 và 15%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm vào năm 2025 và 15%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm vào năm 2025 và 15%/năm vào giai đoạn 2026 - 2030.
Bài, ảnh:
THANH PHONG