(Báo Quảng Ngãi)- Ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn hướng khởi nghiệp kinh doanh với nông sản sạch, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo tốt cho sức khỏe.
[links()]
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều bạn trẻ đầu tư khởi nghiệp từ nông sản như cơm cháy cá bống, tinh bột nghệ rừng, gạo lứt, trà gạo lứt thảo mộc...
Anh Bạch Thanh Phú, chủ cơ sở sản xuất thương mại Oly, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cho biết, cơ sở hiện đang sản xuất, kinh doanh các dòng sản phẩm liên quan đến gạo lứt như gạo lứt Oly, thanh gạo lứt dinh dưỡng, trà gạo thảo mộc lá sen, cơm sấy gạo lứt rong biển.
Để có nguồn gạo lứt đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường, năm 2020, anh Phú mua giống gạo lứt đỏ từ tỉnh Nam Định và gạo lứt đen từ tỉnh An Giang về trồng thử nghiệm trên 4 sào ruộng ở quê, cây lúa cho năng suất cao. Từ đó, anh Phú bắt tay vào việc chế biến những sản phẩm liên quan đến gạo lứt.
Năm 2021, dự án trồng lúa thảo dược chế biến nâng tầm giá trị cây lúa của anh Phú đoạt giải thưởng dự án tiềm năng trong Cuộc thi dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức.
Các sản phẩm làm từ gạo lứt của anh Bạch Thanh Phú, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) được nhiều khách hàng tin dùng. ẢNH: ĐĂNG SƯƠNG |
“Mục tiêu của tôi là trồng lúa sạch. Vậy nên, chúng tôi ủ giống lúa nảy mầm, lên cao rồi đem cấy xuống ruộng, không phun thuốc trừ sâu. Tôi học hỏi, nghiên cứu tạo ra phân bón hữu cơ, vi sinh cho cây lúa để đảm bảo cho ra hạt gạo lứt sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, anh Phú chia sẻ.
Bên cạnh sản phẩm gạo lứt dùng để nấu cơm, chế biến sữa, anh Phú còn làm sản phẩm cơm sấy gạo lứt rong biển; thanh gạo lứt dinh dưỡng có sự kết hợp của các thành phần rong biển, hạt điều, mạch nha, bí xanh, hạnh nhân.
Thanh gạo lứt dinh dưỡng đóng gói được bán với giá 90 nghìn đồng/hộp loại 500gr; 140 nghìn đồng/hộp trà gạo thảo mộc lá sen; 50 nghìn đồng/kg gạo lứt. Không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm, anh Phú còn chú trọng thiết kế bao bì, mẫu mã, logo đẹp mắt.
Các sản phẩm từ gạo lứt của anh Phú đều sử dụng giấy để đóng gói. Hiện các sản phẩm từ gạo lứt của anh Phú được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Anh Đỗ Quý Nam khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi gà ác. ẢNH: ĐĂNG SƯƠNG |
Sản phẩm trứng gà ác của cơ sở trứng gà ác Nam Trinh (Mộ Đức) do anh Đỗ Quý Nam làm chủ, cũng được nhiều khách hàng tin dùng. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trứng gà ác ở thị trường trong tỉnh cao, năm 2018, anh Nam đầu tư trang trại nuôi gà ác.
Anh Nam tận dụng lợi thế diện tích đất vườn rộng rãi của gia đình để nuôi 2.000 con gà ác. Đến nay, diện tích trang trại của anh Nam được mở rộng, nuôi hơn 4.000 con gà ác, trong đó có hơn 3.000 con gà mái.
Mỗi ngày, đàn gà đẻ hơn 1.500 quả trứng. Trứng gà ác được cho vào hộp, mỗi hộp 10 quả, bán với giá từ 40 - 45 nghìn đồng. Không chỉ cung cấp trứng gà ác, cơ sở của anh Nam còn cung cấp giống gà ác con và nhận bao tiêu sản phẩm trứng gà ác cho người dân.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Thị Thu Thanh cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều thanh niên lựa chọn các sản phẩm từ nông sản tốt cho sức khỏe người tiêu dùng để khởi nghiệp. Qua đó, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, tăng cường tổ chức hoạt động trưng bày gian hàng để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của thanh niên.
ĐĂNG SƯƠNG