Hiệu quả của mô hình nông nghiệp dinh dưỡng

02:09, 14/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là một trong 3 địa phương của cả nước được chọn thí điểm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025. Sau 3 năm triển khai, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân cải thiện bữa ăn gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế. 
 
[links()]
 
Mô hình nông nghiệp dinh dưỡng hướng đến mục tiêu hỗ trợ cải thiện và chăm sóc dinh dưỡng cho hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo (ưu tiên hộ có trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai). Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy thay đổi tư duy và phương thức sản xuất của người dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
 
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm 
 
Chị Đinh Thị Hương, ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) cho biết, tham gia mô hình nông nghiệp dinh dưỡng, tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách nuôi gà thịt, nuôi vịt đẻ trứng, cách sử dụng thực phẩm chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng. Qua đó, giúp cải thiện bữa ăn của gia đình, hai con nhỏ được chăm sóc tốt hơn. Ngoài ra, gia đình tôi còn tiết kiệm một khoản tiền mua thực phẩm hằng ngày. 
 
Nhờ tham gia mô hình nông nghiệp dinh dưỡng, người dân thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) có nguồn thực phẩm dồi dào, đảm bảo dinh dưỡng.
Nhờ tham gia mô hình nông nghiệp dinh dưỡng, người dân thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) có nguồn thực phẩm dồi dào, đảm bảo dinh dưỡng.
Ông Đinh Văn Châu, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) phấn khởi cho biết, từ khi tham gia mô hình nông nghiệp dinh dưỡng, gia đình tôi không chỉ tự sản xuất và chế biến các loại thực phẩm, mà còn nắm bắt được quy trình kỹ thuật, phương thức chăn nuôi. Gia đình tôi được hỗ trợ 40 con gà, vịt xiêm. Đàn gà, vịt phát triển tốt, thường xuyên đẻ trứng giúp gia đình có thêm nguồn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng. Từ năm 2019 - 2020, có 130 hộ gia đình ở các xã Sơn Liên, Sơn Long (Sơn Tây) và Long Mai (Minh Long) được chọn thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025. Đây là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo từ 45 - 60%, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên 30%. Tham gia mô hình, mỗi gia đình được cấp 40 con gà siêu trứng, vịt xiêm và cấp thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, kiến thức sử dụng và chế biến sản phẩm. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng.
 
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN&PTNT) Ngô Văn Hưng cho biết, hình thức hỗ trợ xuất phát từ nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện của địa phương nên mô hình mang lại hiệu quả cao. Qua đó, giúp cải thiện thu nhập, dinh dưỡng cho bữa ăn và thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Mô hình cũng tạo hiệu ứng lan toả, nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân ở khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Nhân rộng mô hình 
 
Năm 2022, thôn Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long) được lựa chọn triển khai thực hiện mô hình nông nghiệp dinh dưỡng, với tổng kinh phí 555 triệu đồng, hỗ trợ vật chất và kỹ thuật cho 30 hộ dân. Theo nhu cầu của người dân, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 40 con vịt giống và vài trăm con cá trắm cỏ giống; đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Minh Long tập huấn kỹ thuật để các hộ dân nắm bắt kỹ thuật nuôi.
 
Bí thư Đảng ủy xã Long Môn Đinh Văn Ói cho biết, hộ đói nghèo ở thôn Cà Xen chiếm tỷ lệ cao. Người dân vẫn còn canh tác nông nghiệp theo cách cũ nên năng suất và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch không cao; tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm thường xuyên xảy ra. Vấn đề dinh dưỡng chưa được người dân chú trọng, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em hiện còn cao. Vì vậy, việc triển khai mô hình nông nghiệp dinh dưỡng không chỉ giúp người dân biết cách nuôi và chế biến vịt, cá thành thức ăn sử dụng trong bữa ăn gia đình hằng ngày để tăng dưỡng chất, nâng cao thể trạng, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở địa phương, mà còn hướng tới nhân rộng các mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.