(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 8/8, tại Cocoland River Beach Resort & Spa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), tỉnh Quảng Ngãi đăng cai tổ chức Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
[links()]
Đây là hội nghị lớn, là dịp để Quảng Ngãi nhìn nhận lại lĩnh vực du lịch, để có giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Chúng ta có đảo Lý Sơn, một hòn đảo du lịch đã có thương hiệu. Trong kinh tế nói chung, du lịch nói riêng, thương hiệu là sự thu hút nhìn thấy được và khuếch trương được. Có Lý Sơn, nhưng du lịch Lý Sơn phải phát triển thành “du lịch xanh”, du lịch càng ít bê tông cốt thép bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Cố gắng giữ lại, bảo tồn những nét hoang sơ của thiên nhiên còn hiện diện trên đảo Lý Sơn.
Quảng Ngãi không chỉ có điểm du lịch Lý Sơn. Dọc bờ biển Quảng Ngãi từ huyện Bình Sơn trở vào có nhiều bờ biển tuyệt đẹp. Vấn đề là đừng để mất đi vẻ đẹp của thiên nhiên. Bây giờ, khi người ta nêu lên khẩu hiệu "du lịch xanh”, thì phải hiểu, chữ xanh này là thiên nhiên xanh, là màu xanh tự nhiên khi “bén duyên” với màu xanh cũng tự nhiên do con người tạo ra. Nghĩa là phải trồng cây, trồng rừng, phải bảo vệ những vẻ đẹp tự nhiên đang bị hủy hoại bởi con người.
Hồ Nước Trong (Sơn Hà). Ảnh: Hữu Thư |
Ba Tơ cũng là một vùng du lịch kỳ thú, vừa có núi vừa có sông, vừa có hồ Tôn Dung tuyệt đẹp, vừa có những thung lũng xanh còn hoang sơ, sẵn sàng chiều chuộng nhu cầu hòa mình vào thiên nhiên của du khách. Ẩm thực mang phong vị miền núi kết hợp với sông, hồ ở đây cũng rất “vừa miệng” du khách ở những vùng miền khác nhau. Những tour thám hiểm núi Cao Muôn phải là nơi thu hút bạn trẻ, là nơi tổ chức những giải thể thao leo núi, nếu làm được những chương trình quảng bá rộng rãi và thực chất.
Vừa rồi, huyện Lý Sơn tổ chức chạy việt dã, bơi biển từ đảo Lớn sang đảo Bé được người dân Lý Sơn ủng hộ hết mình, không lấy tiền công khi những con thuyền hỗ trợ bảo hiểm cho các vận động viên bơi biển, nơi có những dòng chảy ngang nguy hiểm. Du lịch ăn nhau ở khâu tổ chức và khâu quảng bá. Nếu chúng ta làm tốt 2 khâu này, du lịch Quảng Ngãi sẽ phát triển.
Rồi còn Trà Bồng xa xôi với núi Cà Đam vừa kỳ vỹ, vừa nên thơ, đang chờ Quảng Ngãi tổ chức quảng bá và khai thác. Ở đó còn có sâm bảy lá như một món quà đặc biệt khiến du khách sẵn sàng móc tiền mua dùng và biếu tặng. Sâm ngọc linh hoàn toàn có thể được trồng ở núi Cà Đam, vì độ cao và khí hậu trên vùng núi Trường Sơn thích hợp với loài sâm quý hiếm này.
Xây dựng, tổ chức và quảng bá, làm tốt 3 khâu này, du lịch Quảng Ngãi dù “đi sau” nhưng sẽ vượt lên. Vì chúng ta có cái mà lâu nay chúng ta hay nói chung chung là “tiềm năng và triển vọng”. Có thật đấy. Chỉ cần chúng ta thực sự vào cuộc, thật sự “vừa nói vừa làm”. Du lịch thì phải nói, nhưng phải làm thì mới thành công.
THANH THẢO