Chưa vơi nỗi lo sạt lở, xâm thực

08:08, 29/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng sạt lở bờ sông, núi và xâm thực bờ biển trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, khiến hàng nghìn hộ dân tại các vùng nguy cơ cao thấp thỏm âu lo.
 
[links()]
 
Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) thấp thỏm âu lo trước tình trạng bờ sông La Châu sạt lở, ăn sâu vào tuyến đường bê tông, gây mất an toàn cho người và phương tiện qua lại. Theo phản ánh của người dân, trước đây sông La Châu cách xa khu dân cư, nhưng khoảng chục năm nay, bờ sông bị sạt lở thường xuyên, tình trạng xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng...
 
Khu vực sạt lở bờ sông La Châu, đoạn qua thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa).
Khu vực sạt lở bờ sông La Châu, đoạn qua thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa).
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Nguyễn Đình Vinh cho biết, bờ sông La Châu dài gần 3km và bị sạt lở nhiều đoạn; trong đó, đoạn đi qua thôn La Châu dài 0,5km bị sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Đến mùa mưa, xã cắm biển báo 2 bên cầu tre để người dân biết; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để kịp thời ứng phó. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay cấp trên vẫn chưa hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình chống sạt lở.
 
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài kè khoảng 43km, kinh phí gần 2.800 tỷ đồng. Hiện các công trình đều phát huy tốt nhiệm vụ phòng, chống sạt lở, ổn định đời sống nhân dân.

Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lại đối diện nỗi lo “kép”; phía trước là triều cường xâm thực, sau lưng là núi sạt lở. Theo người dân nơi đây, đồi núi An Vĩnh bị sạt lở từ nhiều năm nay, nghiêm trọng nhất là ở khu vực phía nam cửa biển Sa Kỳ. Mỗi khi có mưa lớn, đất đá đổ xuống đường và nhà dân, kéo theo hàng loạt cây dương liễu cũng bị cuốn trôi ra biển. Bà Nguyễn Thị Sinh, ở thôn An Vĩnh cho biết, vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở núi, biển xâm thực trở nên nghiêm trọng hơn trước. Lo nhất là đến mùa mưa bão, phía trước thì sóng biển dồn dập ập vào bờ cát gây xói lở; phía sau thì núi sạt cuốn theo đất đá và cây cối ra biển. Chúng tôi rất bất an, mong ngành chức năng sớm có giải pháp hạn chế sạt lở giúp người dân yên tâm sinh sống.

 
Theo báo cáo của UBND xã Tịnh Kỳ, đồi núi An Vĩnh bị sạt lở kéo dài hơn 200m, ăn sâu vào hơn 30m, khối lượng đất sạt lở hơn 1.000m3 và vẫn đang tiếp tục sạt lở. Triều cường xâm thực và sạt lở núi đã khoét sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều diện tích rừng dương liễu, khiến khoảng 30 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng”. Tình trạng sạt lở cũng ảnh hưởng gián tiếp đến cuộc sống của gần 100 hộ dân trong xã. "Chính quyền địa phương và người dân nỗ lực kè bằng mành và cọc tre, nhưng cũng không thể ngăn chặn tình trạng sạt lở xảy ra. Trước mắt, địa phương đã cắm biển báo và bố trí lực lượng chốt chặn ở các khu vực nguy hiểm. Mong ước của người dân bây giờ là sớm có công trình chống sạt lở kiên cố", Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Nguyễn Hoài Thanh bày tỏ.
 
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có khoảng 250 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 217km (200km bờ sông và trên 17km bờ biển). Mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5 - 10m, có những nơi từ 25 - 30m. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 35km, trong đó khu vực bờ sông, bờ suối dài trên 25km và bờ biển dài gần 10km. Sạt lở nguy hiểm khoảng 81km, trong đó khu vực bờ sông, bờ suối gần 74km và sạt lở bờ biển hơn 7km. Sở NN&PTNT đã kiến nghị Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) quan tâm trình cấp thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại 40 vị trí, với tổng chiều dài gần 31km, dự kiến mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng (vốn trung ương hơn 1.755 tỷ đồng, vốn địa phương 645 tỷ đồng).
 
Trong khi chờ Nhà nước đầu tư công trình chống sạt lở kiên cố, chính quyền cơ sở và người dân đã xử lý tạm bằng cách trồng tre, hoặc đổ đá, vật liệu xây dựng cũ và dồn cát vào bao tải để tạo bờ chắn sóng tại các vị trí xung yếu. Đồng thời, sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống trong những tình huống thiên tai nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân vùng sạt lở.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.