(Báo Quảng Ngãi)- Để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá, cũng như đảm bảo quyền lợi và an toàn cho ngư dân, Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) khuyến cáo chủ tàu khi cải hoán phương tiện đánh bắt hải sản phải tuân thủ trình tự, thủ tục, hướng dẫn của các cơ quan chức năng để tránh những rủi ro.
Thời gian qua, do gặp khó khăn trong quá trình đánh bắt hải sản, nên nhiều chủ tàu hành nghề câu mực khơi trên địa bàn các xã Bình Thạnh, Bình Chánh (Bình Sơn) tự ý cải hoán phương tiện, hầm bảo quản sản phẩm, bổ sung ngư lưới cụ để hoạt động thêm nghề... Có tình trạng một số chủ tàu ở xã Bình Thạnh được cấp giấy phép khai thác thủy sản nghề câu, nhưng sau khi được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, thì tự ý chuyển sang nghề thu mua hải sản.
Trước khi đưa tàu vào xưởng để cải hoán nhằm chuyển đổi nghề, ngư dân phải hoàn thành hồ sơ và các thủ tục theo quy định. |
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, việc làm trên của ngư dân đã vi phạm quy định về khai thác thủy sản và bị xử phạt khá nặng. Ngoài bị xử phạt theo Điều 23, Nghị định số 42/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, các tàu cá này cũng sẽ bị xóa tên khỏi danh sách tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa theo Công văn 5847 của UBND tỉnh ngày 3/11/2021 về việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ngoài ra, khi tàu gặp rủi ro, đơn vị bảo hiểm cũng sẽ từ chối đền bù thiệt hại, nếu phát hiện chủ tàu hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, thời gian qua, chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển thường xuyên tuyên truyền, phổ biến quy định, trình tự, thủ tục cũng như sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân có mong muốn cải hoán phương tiện, chuyển đổi nghề khai thác. Căn cứ vào tình hình thực tế, tổng số hạn ngạch giấy phép khai thác được giao theo Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT, cũng như loại ngành nghề được phép chuyển đổi, Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện đúng theo quy định.
Trên thực tế có tình trạng ngư dân tự ý đưa tàu đi nâng cấp, cải hoán tàu cá trước khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định. Điều này khiến việc thực hiện các thủ tục cấp phép gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hạn ngạch khai thác hải sản vùng khơi của tỉnh. "Nếu muốn chuyển đổi nghề, chủ tàu phải thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến việc cải hoán tàu cá để được cấp các loại giấy tờ phù hợp, nhất là giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên tàu cá... Có như vậy mới đầy đủ tính pháp lý, đảm bảo an toàn trong quá trình vươn khơi", ông Mười khuyến cáo.
Bài, ảnh:
THANH PHONG