(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" ngày càng lan tỏa với những mô hình, giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả cao cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Với những cách làm hay, năng động, sáng tạo, nhiều công nhân, lao động đã trở thành những tấm gương tiêu biểu.
[links()]
|
Các cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của UBND tỉnh trong Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nhân Tháng Công nhân năm 2022. Ảnh: TL |
Dám nghĩ, dám làm
Chia sẻ về công việc của mình, anh Trần Thiện Thạch, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho hay, tôi đã gắn bó với Công ty CP Môi trường - Đô thị Quảng Ngãi từ năm 2016. Năm 2020, Khu xử lý chất thải rắn tập trung được xây dựng tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cần nhân lực phù hợp để triển khai công việc. Tôi được công ty tin tưởng phân công làm việc tại khu xử lý, với nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống điện, phụ trách kỹ thuật, kiểm tra công tác vận hành của hệ thống xử lý rác thải.
|
Anh Trần Thiện Thạch, Công ty CP Môi trường - Đô thị Quảng Ngãi, đã kịp thời giải quyết sự cố máy móc trong giai đoạn cao điểm xử lý rác thải y tế. |
Tại khu xử lý, hệ thống xử lý rác y tế bằng công nghệ hấp ướt tích hợp nghiền cắt, xử lý rác ở nhiệt độ cao, gồm 2 lò hấp với công suất thiết kế từ 600 - 800kg/ca. Tuy nhiên, từ tháng 2/2021, dịch Covid-19 bùng phát, khiến số lượng rác thải y tế tăng lên gấp đôi. Trung bình mỗi ngày, phải xử lý từ 1,4 - 1,6 tấn rác. Công nhân phải tăng thời gian làm việc lên 3 ca. Vì vậy, anh Thạch luôn nỗ lực bám sát, vận hành hệ thống điện, hệ thống xử lý rác để xử lý hết lượng rác thu gom mỗi ngày đúng quy định.
Biểu dương, khen thưởng
Với những đóng góp, sáng tạo của mình, anh Trần Thiện Thạch và anh Huỳnh Văn Thuộc vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen, vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", nhân Tháng Công nhân năm 2022. Anh Nguyễn Đăng Cương được Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương, khen thưởng, công nhận danh hiệu "Lao động sáng tạo" trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” năm 2021.
|
Mặc dù vậy, ngày 30/11/2021, trong lúc vận hành, lò hấp tại máy I xảy ra sự cố nghiêm trọng, buộc phải dừng ngay hệ thống. Sự cố khiến công ty và các đơn vị liên quan lo lắng, bởi chỉ cần hệ thống dừng vài ngày sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xử lý, gây ứ đọng rác, nguy cơ phát sinh, lây nhiễm mầm bệnh. Lãnh đạo Công ty CP Môi trường - Đô thị Quảng Ngãi đã làm việc với chủ đầu tư và đơn vị thi công lắp đặt hệ thống lò hấp để tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, vì hệ thống sử dụng công nghệ của nước ngoài và hoàn toàn mới ở Việt Nam, nên rất khó để tìm được đơn vị sửa chữa.
Trước tình thế đó, anh Thạch đã mạnh dạn trình bày với lãnh đạo công ty, cho phép anh được kiểm tra từng chi tiết của bộ phận bị hư hỏng. Bằng kiến thức tích lũy trong thời gian vận hành, tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng và đồng nghiệp, anh Thạch bắt tay vào sửa chữa. “Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, tôi đã tìm ra lỗi và hướng khắc phục. Nhờ đó đến nay, hệ thống hoạt động tốt, ổn định”, anh Thạch chia sẻ.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường - Đô thị Quảng Ngãi Đoàn Nhật Linh, giải pháp của anh Thạch không chỉ mang lại hiệu quả cho công ty, mà còn đảm bảo xử lý hết lượng rác y tế thu gom tại các cơ sở y tế và các khu phong tỏa, cách ly trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Quá trình làm việc khẳng định vai trò, tay nghề cao, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của anh Thạch và đội ngũ công nhân của công ty.
Mang lại hiệu quả thiết thực
Suốt 12 năm gắn bó với Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, anh Huỳnh Văn Thuộc - Kỹ thuật viên công nghệ tại Phòng Sản xuất Vinasoy, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, anh Thuộc còn có những sáng kiến, giải pháp được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà máy. Trước đây, anh Thuộc tham gia đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước cho hệ thống đẩy bã đậu. Năm 2021, anh Thuộc có sáng kiến thực hiện giải pháp giảm một lần làm sạch bên trong công nghệ tiệt trùng sữa số 2 (UHT2) khi chuyển công suất sản xuất.
|
Anh Huỳnh Văn Thuộc, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam, luôn nỗ lực thực hiện công việc, có những sáng kiến hiệu quả. |
Anh Thuộc cho biết, UHT2 có nhiều công suất sản xuất khác nhau, khi muốn chuyển từ công suất này sang công suất khác phải đấu lại cầu ống giữ nhiệt. Điều này tốn thời gian, tiêu hao nhiều năng lượng, hóa chất và ảnh hưởng đến thiết bị. Với giải pháp “Giảm một lần làm sạch bên trong UHT2 khi chuyển công suất sản xuất”, giúp tiết kiệm được chi phí do không phải vệ sinh bên trong UHT2 hai lần, giảm ăn mòn thiết bị, kéo dài tuổi thọ UHT2. Đồng thời, thời gian cài đặt UHT2 không bị kéo dài, nên các máy rót không phải ngừng chờ sữa, đảm bảo năng suất lao động hiệu quả hơn.
Giám đốc Khối cung ứng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Vinasoy Nguyễn Hồng Quảng chia sẻ, với vai trò là kỹ thuật viên công nghệ, có nhiệm vụ giám sát, đảm bảo máy móc, kỹ thuật hoạt động an toàn, anh Thuộc luôn tìm tòi học hỏi, mang lại hiệu quả công việc cho cá nhân, nhà máy. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, anh luôn tham gia cùng đồng nghiệp thực hiện các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm vừa qua, cá nhân anh Thuộc là tác giả thực hiện sáng kiến “Giảm một lần làm sạch bên trong UHT2 khi chuyển công suất sản xuất”, giúp tiết kiệm cho nhà máy 40 triệu đồng trong 5 tháng áp dụng. Đến nay, nhà máy tại Quảng Ngãi vẫn áp dụng sáng kiến của anh Thuộc.
Sáng kiến vì khách hàng
Trong thời đại công nghệ mới, thi đua học tập làm theo lời Bác, đội ngũ công nhân đã không ngừng nỗ lực, học hỏi và liên tục tìm tòi nghiên cứu để tìm ra những giải pháp, sáng chế mới. Trước đây, các kỹ thuật viên xe máy thường gặp khó khăn khi uốn những khung sườn bị tai nạn cong vẹo... Trên thị trường có các loại máy nắn thủy lực uốn nắn khung sườn, nhưng giá rất cao, khó vận hành và chỉ sử dụng cho một loại xe.
|
Kỹ thuật viên Nguyễn Đăng Cương, Công ty CP Thương mại tổng hợp Quảng Ngãi, đã nghiên cứu tạo ra giải pháp mang lại hiệu quả lớn trong sửa chữa xe máy. Ảnh: Bảo Hòa |
Để giải quyết vấn đề trên, kỹ thuật viên Nguyễn Đăng Cương, Công ty CP Thương mại tổng hợp Quảng Ngãi, đã nghiên cứu gia công thiết bị giá nắn khung sườn xe máy. Vật liệu chế tạo thiết bị làm từ nguồn sắt thép tận dụng, giá thành chỉ bằng 10% so với máy bán trên thị trường. Thiết bị giá nắn khung sườn xe máy của anh Cương có thiết kế đơn giản, dễ dàng di chuyển. Đặc biệt, thiết bị sử dụng cho nhiều dòng xe khác nhau, vận hành dễ dàng, nhanh gọn, chính xác cao về kỹ thuật. Từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi lượt uốn khung sườn, dù hư hỏng nặng, khách hàng trả chi phí thấp hơn 60% so với trước và không phải chờ lâu.
Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại tổng hợp Quảng Ngãi Lê Thanh Hải cho hay, thiết bị giá nắn khung sườn xe mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng. Thiết bị được đưa vào sử dụng tại cửa hàng và nhân rộng áp dụng trong hệ thống của công ty. Không chỉ sửa chữa khung sườn cho khách hàng đến cửa hàng, mà còn đảm nhận sửa chữa cho nhiều cửa hàng khác và trạm bảo trì xe máy ở các nơi.
Làm lợi hơn 90 tỷ đồng
Giám đốc Khối cung ứng Vinasoy Nguyễn Hồng Quảng cho biết, năm 2021, Vinasoy có 38 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được công nhận, ứng dụng thành công trong thực tiễn, góp phần tiết kiệm chi phí, làm lợi cho nhà máy 90,1 tỷ đồng. Thông thường, nhà máy sẽ họp xét sáng kiến 6 tháng/lần, nhưng khi có sáng kiến đề nghị, Ban xét duyệt của nhà máy sẽ tổ chức họp, thẩm định ngay, nhận thấy giải pháp phù hợp, hiệu quả sẽ đưa vào áp dụng. Cùng với đó là kịp thời khen thưởng tác giả sáng kiến, nhằm ghi nhận công sức lao động, sự sáng tạo và cổ vũ tinh thần làm việc của đội ngũ công nhân viên.
|
Bài, ảnh:
BẢO HÒA