Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi: Điểm hẹn của các nhà đầu tư

03:05, 26/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), đi vào hoạt động từ năm 2013, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.700ha. Đây là dự án KCN Việt Nam - Singapore đầu tiên ở miền Trung, với cơ sở hạ tầng hiện đại theo tiêu chuẩn “xanh”, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
 
[links()]
 
Những con số ấn tượng
 
Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, tính đến đầu tháng 5/2022, KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 32 nhà đầu tư, trong đó có 27 doanh nghiệp (DN) FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan... Tổng vốn đầu tư khoảng 950 triệu USD.
 
Đến nay, KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 32 nhà đầu tư. Ảnh: ĐỨC TƯƠI
Đến nay, KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 32 nhà đầu tư. Ảnh: ĐỨC TƯƠI
Trong số 27 dự án FDI được cấp phép đầu tư thì có 22 dự án đi vào hoạt động. Một số DN FDI sau một thời gian đầu tư sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả đã tiếp tục đăng ký mở rộng thêm nhà xưởng, dây chuyền, nâng công suất. Nhiều nhà đầu tư tiếp tục xin cấp chứng nhận đầu tư thêm dự án mới, thuê đất trong KCN VSIP Quảng Ngãi để xây dựng nhà xưởng. Đơn cử như Công ty TNHH XDD Textile, năm 2013 có 1 dự án chuyên sản xuất và gia công sản xuất các loại sợi xuất khẩu, đến năm 2017, công ty thực hiện dự án thứ 2. Hay như Công ty TNHH Wonder Strike Internatinonal đầu tư dự án Nhà máy gia công, sản xuất sợi thun, vải thun và phụ liệu may mặc FREETEX GROUP Việt Nam, với 2 nhà máy trong vòng 2 năm.
 
Các DN FDI tại KCN VSIP Quảng Ngãi đi vào hoạt động đã tạo điểm sáng về hoạt động xuất khẩu cho Quảng Ngãi. Theo thống kê của Sở Công thương, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI tại KCN này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; năm 2020 và năm 2021 chiếm hơn 50%. Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 39% so cùng kỳ năm 2021; trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của 22 DN FDI ở KCN VSIP Quảng Ngãi. Sự có mặt của các DN FDI ở KCN này còn giúp tỉnh đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, với hàng loạt sản phẩm lần đầu tiên có tên trong danh mục xuất khẩu của Quảng Ngãi như sợi, vải, nệm sofa... Doanh thu, số tiền nộp ngân sách của nhiều DN tăng từ 20 đến 30 lần so với ngày đầu đi vào hoạt động.
 
Tạo "làn sóng" thu hút nhà đầu tư FDI
 
“Nhà đầu tư vào KCN VSIP Quảng Ngãi đã và đang gặp nhiều thuận lợi. Thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi để tập trung thu hút các dự án FDI sản xuất công nghiệp nhẹ, nhất là các dự án đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư theo quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư tại KCN VSIP Quảng Ngãi".
 
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh  HÀ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG

Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, KCN VSIP Quảng Ngãi đã tạo ra "làn sóng" đầu tư đến từ các quốc gia Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... góp phần to lớn vào sự phát triển của Quảng Ngãi. Điều này thể hiện rõ nét qua hạ tầng giao thông trong KCN rộng rãi, gồm các trục đường chính, nhánh lộ giới từ 23 - 56m. Điện lưới quốc gia luôn đảm bảo. Nguồn nước được cung cấp từ nhà máy nước sạch, với công suất thiết kế đạt 45 nghìn mét khối/ngày, đêm. Đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT, với công suất thiết kế 60 nghìn mét khối/ngày, đêm. 

 
Hiện tại, KCN VSIP Quảng Ngãi có 5 dự án FDI đang trong quá trình xây dựng, lắp ráp thiết bị, dây chuyền, gồm: Nhà máy Gia công, sản xuất vải và hàng may mặc Whitex - Dung Quất của Công ty Whitex Garments SDN BHD; Nhà máy Sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam - Dung Quất của Công ty TNHH APX Captial; Nhà máy Sản xuất và gia công giày Maystar - Dung Quất của Công ty TNHH Empress Choice; Nhà máy Sản xuất xăm lốp cao su Dong Ah Vina - Dung Quất của Công ty TNHH DongAh-Tire& Rubber; Nhà máy Sản xuất ống truyền y tế M.E.NIKKISO Việt Nam - Dung Quất của Công ty TNHH M.E.NIKKISO Việt Nam. Trong đó, dự án Nhà máy Sản xuất ống truyền y tế M.E NIKKISO Việt Nam - Dung Quất đang lắp đặt dây chuyền và chuẩn bị đi vào vận hành. Đây là dự án quy mô lớn, với tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD, công suất khoảng 20 triệu sản phẩm/năm, được khởi công từ năm 2021 và dự kiến đi vào hoạt động vào quý II/2022. Công tác tuyển dụng nhân sự đang được nhà đầu tư gấp rút tiến hành để đảm bảo đủ 2.050 lao động khi đi vào hoạt động.
 
Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, bên cạnh tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi còn chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) và tham gia các hội nghị XTĐT trong, ngoài nước, để kêu gọi nhà đầu tư đến với KCN VSIP Quảng Ngãi. Đặc biệt, những nhà đầu tư đã và đang gặt hái được thành công khi đầu tư tại KCN VSIP Quảng Ngãi cùng tham gia quảng bá, tạo sức lan tỏa về tiềm năng, thế mạnh, điều kiện cơ sở hạ tầng, các cơ chế chính sách ưu đãi... gián tiếp thu hút các nhà đầu tư FDI vào KCN VSIP Quảng Ngãi.
 
Môi trường làm việc thân thiện, hiện đại 
 
Trung tuần tháng 5/2022, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo, công nhân một số nhà máy trong KCN VSIP Quảng Ngãi. Những câu chuyện thân tình, cởi mở ngay tại phân xưởng, trong ca sản xuất đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.
 
Sản xuất ghế nệm xuất khẩu tại Nhà máy Happy Dung Quất ở KCN VSIP Quảng Ngãi.                     ẢNH: P.Danh
Sản xuất ghế nệm xuất khẩu tại Nhà máy Happy Dung Quất ở KCN VSIP Quảng Ngãi. ẢNH: P.Danh
Giám đốc Nhà máy Sản xuất đồ gỗ nội thất Happy Dung Quất (Công ty TNHH Happy Furniture Việt Nam) Zhang Dong Hai chia sẻ, từ ngày DN về đây đầu tư luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương. Các thủ tục hành chính không gặp vướng mắc gì. Việc tuyển dụng công nhân tương đối thuận lợi. Hiện tại, nhà máy có khoảng 1.600 công nhân và sắp tới lắp đặt thêm dây chuyền cần khoảng 3.000 - 4.000 công nhân. Công ty ưu tiên tuyển chọn người dân Quảng Ngãi vào làm việc, trừ vị trí cần phải có chuyên gia trình độ cao mà người địa phương không đáp ứng được. Người lao động ở đây làm việc khá chăm chỉ, chuyên cần, nên công ty trả lương cũng khá cao, bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. 
 
Tại Nhà máy Sản xuất vải xuất khẩu của Công ty TNHH Tân Mahang Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Bi LeiJun đưa chúng tôi đi thăm các dây chuyền dệt, kiểm tra sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm... "Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 400 lao động. Khi giai đoạn 2 đi vào hoạt động thì cần thêm 400 người nữa. Chúng tôi đã và đang đào tạo đội ngũ lao động ưu tú như bộ phận nhân sự, kiểm duyệt hợp đồng, xuất nhập khẩu. Trong tương lai, chúng tôi muốn đào tạo người địa phương lên làm các vị trí quan trọng để quản lý và vận hành nhà máy được thuận lợi nhất. Tôi đánh giá rất tốt về môi trường đầu tư tại đây, đặc biệt là Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi đã hỗ trợ và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, giúp nhà máy hoạt động thuận lợi", ông Bi LeiJun bày tỏ.
 
Công nhân Nhà máy Tân MaHang (KCN VSIP Quảng Ngãi) kiểm tra sản phẩm vải trước khi xuất xưởng.  Ảnh: PHẠM DANH
Công nhân Nhà máy Tân MaHang (KCN VSIP Quảng Ngãi) kiểm tra sản phẩm vải trước khi xuất xưởng. Ảnh: PHẠM DANH
Chị Nguyễn Thị Xuân Mơ, nhân viên bộ phận QC, Công ty TNHH Tân MaHang cho biết, môi trường làm việc ở đây đạt tiêu chuẩn ISO và lãnh đạo rất quan tâm đến công nhân, đối xử thân tình nên mọi người cảm thấy rất vui vẻ, phấn khởi. "Ngoài lương, công nhân được hỗ trợ tiền ăn trưa, tiền xăng xe đi lại, tiền chuyên cần, bố trí ký túc xá để công nhân ở lại. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn còn được công đoàn công ty thăm hỏi, tặng quà. Nhà máy cũng tổ chức nhiều hoạt động như đá bóng, văn nghệ để cán bộ, nhân viên giao lưu. Công nhân vào đây làm việc rất an tâm, gắn bó và đóng góp cho sự phát triển của nhà máy", chị Mơ chia sẻ.
 
Có 90% lao động là người Quảng Ngãi
 
Hiện tại, các DN trong KCN VSIP Quảng Ngãi đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 29 nghìn lao động; trong đó có đến 90% là người Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, trong năm 2022, khi có thêm 5 dự án FDI mới đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm việc làm cho 20 nghìn lao động, với mức thu nhập của lao động phổ thông từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.
 
 THANH NHỊ
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.