Doanh nghiệp xuất khẩu: Cần được trợ lực

09:05, 21/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Quảng Ngãi đã nỗ lực phục hồi sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 733 triệu USD, tăng 39% so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
[links()]
 
Công ty TNHH XDD Textile (trước đây là Công ty TNHH Xindadong Textiles Việt Nam) là một trong những DN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu có mặt sớm nhất tại KCN VSIP Quảng Ngãi. Năm 2013, công ty được thành lập và đi vào hoạt động. Ban đầu, chỉ có 1 dự án là nhà máy sản xuất sợi, chuyên sản xuất và gia công các loại sợi xuất khẩu, với công suất 60 nghìn tấn/năm. Sau đó, năm 2017, công ty tiếp tục xin thực hiện dự án thứ 2 là nhà máy chuyên sản xuất, gia công vải và bán thành phẩm vải (dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt), với công suất khoảng 70 triệu m2/năm. Các sản phẩm của công ty xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Bangladesh...
 
Sản xuất ván thanh xuất khẩu tại Nhà máy Chế biến gỗ Nhất Hưng Sơn Hà.
Sản xuất ván thanh xuất khẩu tại Nhà máy Chế biến gỗ Nhất Hưng Sơn Hà.
Những năm qua, 2 nhà máy trên của Công ty TNHH XDD Textile giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu không ngừng tăng qua mỗi năm, năm 2020 là 2.160 tỷ đồng, năm 2021 là 4.254 tỷ đồng. Riêng quý I/2022, doanh thu đạt 1.637 tỷ đồng.
 
“Sở Công thương đang phối hợp với các địa phương, các sở, ngành liên quan để giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Những vướng mắc vượt thẩm quyền, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến tháo gỡ, tạo thuận lợi để DN nắm bắt cơ hội, phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
Phó Giám đốc Sở Công thương
HÀ ĐỨC THẮNG

Chia sẻ về quá trình đầu tư tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Công ty TNHH XDD Textile Wang Yu Hui mong được tỉnh cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ về chính sách ưu đãi đối với DN. Tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhanh hơn nữa, để giảm chi phí kho bãi và đảm bảo thời gian đã cam kết giao hàng cho đối tác. Đồng thời, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về môi trường, đất đai, xây dựng... Đặc biệt là, các cấp, ngành cần có giải pháp kết nối các DN kinh doanh sợi, vải với các DN ngành hàng may mặc ngay trong KCN VSIP Quảng Ngãi. Từ đó, nâng cao năng lực của các DN, gián tiếp thu hút đầu tư về Quảng Ngãi.

 
Trong khi đó, hiện các DN chế biến dăm gỗ và các sản phẩm khác từ gỗ đang gặp khó khăn, nhất là vướng mắc về thủ tục đất đai.
 
Nhà máy Chế biến gỗ Nhất Hưng Sơn Hà do Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn Hà làm chủ đầu tư, đi vào hoạt động từ tháng 6/2013, trên diện tích đất 1,9ha tại thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ (Sơn Hà). Từ khi đi vào hoạt động, doanh thu của nhà máy đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020 và 2021, giá trị xuất khẩu đạt gần 370 tỷ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 220 lao động, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện DN đang gặp khó khăn về thủ tục đất đai.
 
Theo đại diện công ty, năm 2015, huyện Sơn Hà quy hoạch Cụm công nghiệp Sơn Hạ, công ty đã xin điều chỉnh dự án thành nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, với sản phẩm chính là gỗ xẻ, ghép thanh. Thế nhưng, do vướng mắc nên đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đất đai. Hiện một phần nhà xưởng của công ty vẫn nằm trong quy hoạch hành lang bảo vệ đường bộ, rất cần phải di dời, nhưng chưa có mặt bằng. 
 
Tương tự, năm 2017, Công ty TNHH Chế biến gỗ Minh Dương Dung Quất được cấp chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất viên nén sinh học Sơn Hà, sau đó xin điều chỉnh dự án sang sản xuất ván ghép thanh, đồ gỗ nội ngoại thất. Hiện máy móc đã nhập về, nhưng thủ tục đất đai chưa hoàn thiện, nhà đầu tư chưa được giao mặt bằng để xây dựng nhà xưởng. Tại vị trí quy hoạch thực hiện dự án hiện đang xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở, công trình...
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 
 

.