(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022, trên địa bàn tỉnh triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, đó là: Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.
[links()]
Đây là 2 dự án trọng điểm, nên chính quyền tỉnh đã chỉ đạo áp dụng cơ chế đặc thù, để đảm bảo tiến độ. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, ngăn chặn tình trạng trục lợi, gây khó khăn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ
Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông có tuyến Quảng Ngãi- Hoài Nhơn (Bình Định). Đoạn đi qua Quảng Ngãi có chiều dài khoảng 60km. Theo Bộ GTVT, dự án dự kiến khởi công trước ngày 20/11/2022. Theo đó, đến tháng 11/2022, Quảng Ngãi phải bàn giao mặt bằng đạt ít nhất 70% và quý II/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng. Trên địa bàn Quảng Ngãi, tuyến cao tốc đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (thứ ba từ trái sang) kiểm tra hiện trường dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Ảnh: Thanh Nhị |
Hiện nay, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo GPMB, tổ giúp việc (gồm 3 tổ trực thuộc là tổ tuyên truyền; tổ giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ thẩm định phương án bồi thường GPMB). UBND tỉnh cũng đã phân công nhiệm cụ thể cho các địa phương trong GPMB và tổ chức TĐC. Đến nay, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) đã bàn giao cột mốc 10km đầu tiên cho các huyện Tư Nghĩa (4,7km) và Nghĩa Hành (5,3km).
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua huyện có tổng diện tích khoảng 38ha, thuộc 2 xã Nghĩa Kỳ và Nghĩa Điền. Tổng số lô TĐC là 414, diện tích cần để xây dựng khu TĐC trên 27ha, vị trí xây dựng tại xã Nghĩa Kỳ, gồm: Khu đồng Bà Thơi và khu phía bắc khu TĐC An Hội Nam 1. Huyện đã họp, thống nhất chọn 5 khu vực mỏ cát, với tổng diện tích 28ha tại xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Mỹ; 3 mỏ đá tại xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Phương; 3 khu vực mỏ đất ở xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Phương để phục vụ thi công dự án. Bên cạnh đó là, xác định bãi đổ thải, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án TĐC phục vụ GPMB tuyến cao tốc. Huyện cũng đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đường để làm đường công vụ vận chuyển vật tư, thiết bị, máy móc trong quá trình thi công dự án, làm cơ sở để duy tu, bảo dưỡng và hoàn trả nguyên trạng khi kết thúc dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn, chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua huyện có 17,3km, trải dài qua 6 xã, trong đó xã Hành Thuận không trường hợp nào thuộc diện TĐC. Còn 5 xã đã xác định số hộ TĐC, cụ thể: Xã Hành Phước có 40 hộ, xã Hành Dũng có 73 hộ, xã Hành Minh có 103 hộ, xã Hành Đức có 31 hộ và xã Hành Thịnh có 45 hộ. Sau khi tham vấn ý kiến người dân, huyện đã quyết định đầu tư 5 khu TĐC tại 5 xã nói trên.
Quản lý đất đai trong vùng dự án
Đối với dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, mới đây, UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án giai đoạn IIB, chiều dài gần 7km, với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Khi biết thông tin tỉnh triển khai dự án này, một số người dân đã ồ ạt thực hiện tách thửa, chuyển nhượng đất đai, nhất là tại TX.Đức Phổ. Lãnh đạo UBND TX.Đức Phổ cho biết, thị xã đã kiểm tra và phát hiện gần đây, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai có xu hướng gia tăng, giá đất một số khu vực tăng mạnh, có nguy cơ gây sốt ảo trên thị trường. Một số địa phương do quản lý chưa chặt chẽ đã để tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp diễn ra.
Bộ GTVT bàn giao cột mốc dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông cho huyện Nghĩa Hành. Ảnh: Th.Nhị |
Đối với đất của dự án nông nghiệp nằm trên tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, UBND tỉnh vừa giao Sở KH&ĐT phối hợp Sở TN&MT và các địa phương khẩn trương tham mưu cho tỉnh chấm dứt hoạt động, để nhường đất thực hiện dự án giao thông trọng điểm này của tỉnh.
Về giải pháp quản lý đất đai nằm trong vùng dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương có dự án đi qua tuyệt đối không để xảy ra việc tách thửa, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng, trồng cây trái phép nhằm trục lợi từ bồi thường, GPMB, TĐC. Đồng thời, tăng cường tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, cương quyết đối với những hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng đất, xây dựng, trồng cây tại địa phương theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Địa phương nào để xảy ra vi phạm về tách thửa, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng, trồng cây trái phép thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Trao đổi về việc thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền tăng cường quản lý nguyên trạng đất đai, vật kiến trúc, cây cối, với phần diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 38ha.
Sớm phê duyệt khung chính sách bồi thường
Hiện nay, Bộ GTVT chưa phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC để các địa phương phổ biến cho người dân trong vùng dự án biết, thực hiện. Riêng huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất để huyện có cơ sở kiểm kê, lập phương án bồi thường, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất để thực hiện dự án.
|
THANH NHỊ