(Báo Quảng Ngãi)- Thông qua các chương trình hỗ trợ dành cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nguồn vốn cho vay ưu đãi, tạo việc làm, huyện Sơn Tây đang tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
[links()]
Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây keo không bền vững, anh Đinh Văn Nhân, ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Sự thay đổi trong tư duy làm kinh tế của anh Nhân có sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) về hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi. Anh Nhân đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây giải ngân 100 triệu đồng từ các chương trình cho vay giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.
Anh Đinh Văn Nhân, ở xã Sơn Bua (Sơn Tây), chăm sóc vườn bưởi đang cho quả. |
Anh Nhân chia sẻ, trước đây thấy người dân trong làng ai cũng trồng cây keo nên tôi cũng làm theo, nhưng bây giờ tôi muốn làm khác. Vì cây keo có chu kỳ trồng 4 - 5 năm thu hoạch, rồi sau đó phải đầu tư trồng lại. Trong khi đó, giá keo bấp bênh, nhưng chi phí thu hoạch, thuê xe chở lại rất cao, nên tính ra không có lãi. Còn trồng cây ăn quả, chỉ đầu tư lúc đầu, sau này năm nào cũng có thu hoạch. Đầu ra của bưởi đã có doanh nghiệp cam kết thu mua.
Không riêng gì anh Nhân, những năm gần đây, rất nhiều nông dân trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong ở huyện Sơn Tây đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng cây ăn quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây Trần Minh Thứ cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho 252 khách hàng, với số tiền gần 8,7 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 28/3/2022 đạt gần 142 tỷ đồng, với 4.733 khách hàng còn dư nợ. Thời gian qua, ngân hàng cũng đã lồng ghép các chương trình cho vay ưu đãi, tạo công ăn việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Thay đổi tư duy sản xuất
Sơn Tây là một trong 2 huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua, huyện Sơn Tây đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Thông qua các chương trình giảm nghèo dành cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như 30a, 135, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới... huyện Sơn Tây đã triển khai các mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thông qua các mô hình trồng cây ăn quả đã góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân vùng cao.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, đối với người dân miền núi, rào cản lớn nhất trong phát triển kinh tế chính là thay đổi tư duy sản xuất. Một khi tư duy thay đổi, cùng với sự hỗ trợ về cây, con giống, kỹ thuật và nguồn vốn ưu đãi, người dân sẽ phát huy được lợi thế để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Theo Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng, để có những mô hình trồng cây ăn quả như hiện nay, việc đầu tiên cần làm là nghiên cứu khí hậu thổ nhưỡng của từng vùng, sau đó hỗ trợ người dân cây giống. Muốn triển khai được các mô hình, dự án kinh tế mới, huyện đã bố trí cán bộ trẻ có tâm huyết, vững chuyên môn về nông nghiệp đảm nhận các vị trí chủ chốt ở các xã để làm hạt nhân, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân vùng dự án. Nhờ đó, đến nay, các mô hình trồng cây bưởi, ổi... đã phát huy hiệu quả kinh tế, lan tỏa ra các vùng ngoài dự án. Người dân đã tự chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nhau, cùng nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh:
AN NHIÊN