Kết nối giao thương: Chưa đạt như kỳ vọng

05:04, 04/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, ngành công thương Quảng Ngãi đã tích cực tổ chức kết nối giao thương với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả nước ngoài để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của địa phương. Tuy nhiên, sự hợp tác giao thương vẫn chưa hiệu quả.
 
Mới đây, Sở Công thương Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị giao thương Quảng Ngãi - Quảng Trị. Mục đích nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc sản đặc trưng của 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi. Tham gia hội nghị có nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nhà phân phối của 2 tỉnh.
 
Đại diện các doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu sản phẩm trưng bày tại Hội nghị giao thương Quảng Ngãi - Quảng Trị vừa mới tổ chức.
Đại diện các doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu sản phẩm trưng bày tại Hội nghị giao thương Quảng Ngãi - Quảng Trị vừa mới tổ chức.
Về phía Quảng Ngãi, có các đơn vị: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OCOP Quảng Ngãi, Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT, Cơ sở nước mắm Trần Quốc Ca, HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận... Về phía Quảng Trị có Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị, HTX Nông nghiệp sạch Đông Triều, HTX Dược liệu Trường Sơn, Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị... Tuy nhiên, sản phẩm mang đến để giới thiệu, tìm cơ hội hợp tác lại chưa mới lạ, hấp dẫn, nhiều sản phẩm cùng loại, na ná nhau về mẫu mã, kiểu dáng.
 
Cụ thể là mặt hàng gạo, Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp TBT (Quảng Ngãi) và Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (Quảng Trị) đều có một số loại gạo và các sản phẩm làm từ gạo, mẫu mã, bao bì đóng gói gần giống nhau. Về mặt hàng dược liệu, chủ yếu là tinh dầu thảo mộc có nguồn gốc từ thiên nhiên, chỉ khác ở chỗ Quảng Ngãi là các sản phẩm làm từ quế, còn Quảng Trị là tinh dầu sả, bưởi, thực sự cũng không mấy đặc biệt... Một số sản phẩm không trùng lắp, nhưng chưa thực sự là thế mạnh như tinh bột nghệ, nước rong biển, gạch bông, rượu sim, rượu bách nhật...
 
Tại hội nghị này, có 14 biên bản ghi nhớ giữa các đơn vị của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị được ký kết; các đơn vị của Quảng Trị cũng đã đi tham quan thực tế một số cơ sở bán sản phẩm OCOP tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, những kỳ vọng kết nối để tiêu thụ hàng hóa giữa 2 tỉnh vẫn rất mong manh.
 
Trước đó, ngành công thương Quảng Ngãi và Nghệ An cũng tổ chức hội nghị giao thương giữa 2 địa phương, nhiều biên bản hợp tác cũng được ký kết, song thực tế chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Hoạt động giao thương thực chất vẫn chỉ dừng lại ở một cuộc hội nghị giới thiệu sơ bộ về thế mạnh sản phẩm của tỉnh mình.
 
Năm 2018, tại Quảng Ngãi đã diễn ra một hội nghị giao thương quy mô do Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức mang tên "Hội nghị kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi". Tham dự hội nghị có các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Lào Cai và hơn 50 nhà kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại Trung Quốc. Hội nghị cũng được đặt nhiều kỳ vọng, mở ra con đường hợp tác tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là dưa hấu. Thế nhưng, sau hội nghị, những hợp tác chính thức không được tiếp nối. Đến nay, việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là dưa hấu của Quảng Ngãi sang thị trường Trung Quốc vẫn còn gặp bế tắc. Vì thế, thời gian tới cần có cách làm phù hợp, hiệu quả hơn và đơn vị, doanh nghiệp tham gia cũng cần tích cực, chủ động hơn để từ hội nghị giao thương mở ra hướng hợp tác bền vững.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.