Cây xứ lạnh cho quả ngọt trên vùng đất nóng

10:02, 08/02/2022
.
(Báo Quảng Ngai)- Dâu tây được coi là loại cây trồng ưa lạnh nổi tiếng của Đà Lạt (Lâm Đồng). Thế nhưng, ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức), lão nông Huỳnh Văn Lực (62 tuổi) đã triển khai mô hình trồng dâu tây tại vườn nhà, thích nghi với khí hậu nắng nóng. Sau hơn 4 năm, vườn dâu tây đã cho quả ngọt, giúp ông Lực có nguồn thu nhập ổn định.
 
Vốn gắn bó với nghề nông suốt mấy chục năm qua, nên ông Lực hiểu rõ khó khăn khi cây trồng phải phụ thuộc nhiều vào đất đai, thời tiết và quy luật cung cầu. Sau thời gian dài tìm tòi, suy nghĩ, năm 2017, ông Lực quyết định chọn hướng đi mới trong làm nông nghiệp, đó là trồng dâu tây trên vùng đất nắng nóng. Từ vài chậu trồng thử nghiệm ban đầu và trải qua không ít lần thất bại, ông Lực mới thành công trong việc nhân giống dâu tây. Ông Lực chia sẻ, cây dâu tây xưa nay được trồng nhiều ở xứ lạnh Đà Lạt, nhưng ở xứ nóng thì ít ai trồng, nếu trồng thành công sẽ đem lại nguồn thu nhập khá cao, nên tôi quyết định trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Sau hơn 1 năm nhân giống từ cây mẹ thành cây con, tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để trồng dâu tây thích nghi với khí hậu ở Quảng Ngãi.
 
Vườn dâu tây của ông Huỳnh Văn Lực, ở xã Đức Phong (Mộ Đức), cho nguồn thu nhập khá.
Vườn dâu tây của ông Huỳnh Văn Lực, ở xã Đức Phong (Mộ Đức), cho nguồn thu nhập khá.
Theo ông Lực, dâu tây vốn là loại cây trồng “khó tính”, do đó, đòi hỏi người trồng phải đặt nhiều tâm huyết và thời gian. Để cây dâu tây phát triển tốt và cho năng suất cao, ông đã học hỏi kiến thức từ Internet và tự đúc kết kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc. “Cây dâu tây sẽ phát triển tốt ở môi trường 25 - 27oC. Do đó, để dâu tây thích nghi với khí hậu nóng, tôi đã trồng theo phương pháp bán truyền thống, tức là trồng ngoài trời, không mái che, nhưng phải đảm bảo các quy trình, điều kiện để cây dâu phát triển theo hướng sạch. 
 
Trước khi trồng, tôi dùng xơ dừa trộn với đất tạo độ ẩm, sau đó tăng cường bón phân chuồng, phân vi sinh đã qua xử lý. Dâu tây phải được tưới nước mỗi ngày từ 2 - 3 lần, tuyệt đối không để khô gốc và trồng cách mặt đất để tránh côn trùng. Ngoài ra, để cây không bị sâu, nấm, nên sử dụng các chế phẩm hữu cơ như nano bạc, nano đồng...”, ông Lực cho hay.
 
Sau hơn 4 năm kiên trì triển khai, đến nay, ông Lực đã mở rộng hơn 200m2 đất vườn để trồng gối vụ gần 1.000 chậu dâu tây. Ngoài liên kết với các thương lái thu mua sản phẩm, ông Lực còn tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội, thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức dâu tây ngay tại vườn. Chỉ tính riêng vụ Tết, ông có thu nhập gần 60 triệu đồng từ việc bán những chậu dâu tây cảnh.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 

.