(Báo Quảng Ngãi)- Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng thời điểm này, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh vẫn tập trung vào vụ sản xuất.
[links()]
Sản phẩm chào Xuân mới
Hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ Tết được các nhà máy trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi triển khai từ nhiều tháng trước. Từ nghiên cứu thị trường, dự báo sức mua, các nhà máy đã tung ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu, giá cả hợp lý, nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, mặt hàng bánh kẹo, đường, nước giải khát được duy trì ổn định như mọi năm và có nhiều cải tiến về mẫu mã.
Sản xuất bánh phục vụ Tết tại Nhà máy bánh kẹo Biscafun Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Nhị |
Tết Nhâm Dần 2022, Nhà máy Bánh kẹo Biscafun sản xuất hơn 2.000 tấn bánh kẹo, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, sản phẩm đã được đưa ra thị trường 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tại Quảng Ngãi khoảng 200 tấn. Tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhưng bánh kẹo Biscafun vẫn không tăng giá bán, với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn, tạo điều kiện để người dân vui Xuân đón Tết đầy đủ, ấm áp. Ngoài sản xuất hàng phục vụ Tết, hiện nhà máy còn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu theo các đơn hàng mới được ký kết. Nhờ giữ vững thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trong suốt 24 năm qua, sản phẩm bánh kẹo Biscafun hiện đã xuất khẩu sang 24 quốc gia, trong đó có các thị trường lớn như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan...
Dịp Tết năm nay, Công ty CP Đường Quảng Ngãi tung ra thị trường sản phẩm đường sạch được làm từ cây mía trên vùng đất An Khê (Gia Lai), gồm: Đường tinh luyện, đường vàng và đường kính trắng. Các sản phẩm này sản xuất trên dây chuyền hiện đại, chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được chia thành túi có trọng lượng 0,5kg và 1kg, phục vụ nhu cầu bán lẻ cho tiêu dùng gia đình. Hiện các sản phẩm này đã “phủ sóng” ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các siêu thị, chuỗi siêu thị.
Đóng hộp sản phẩm phục vụ Tết tại Nhà máy nước khoáng Thạch Bích. Ảnh: PV |
Hàng Tết từ các làng nghề
Còn hơn một tháng nữa là đến tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thời điểm này, các làng nghề trên địa bàn tỉnh bắt đầu vào vụ sản xuất hàng Tết. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân các làng nghề truyền thống không sản xuất nhiều như mọi năm. Tuy vậy, không khí vẫn hối hả, nhộn nhịp.
Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là hàng trăm lò làm mứt gừng ở trong tỉnh lại tất bật vào vụ để phục vụ Tết. Theo các hộ dân làm mứt gừng, để tạo ra được một mẻ mứt gừng khô giòn, thơm ngon phải rất công phu và qua nhiều công đoạn. Gừng tươi mua về rửa sạch, cạo vỏ, rồi bào mỏng, sau đó luộc qua và xả nhiều lần với nước cho bớt vị cay. Tiếp đến là ướp đường, rim cho đến khi mứt khô. Sau khoảng 3 giờ rim trên lửa than mới xong một mẻ mứt. Trong những công đoạn làm mứt, rim mứt là công đoạn khó nhất, vì nếu không quen tay, mứt sẽ không khô hoặc bị cháy. Nghề này đòi hỏi công phu, lại chỉ tập trung trong khoảng một tháng, nên hầu như các hộ làm mứt đều phải thuê thêm người mới làm kịp Tết.
Tuy thời gian ngắn, nhưng nghề làm mứt gừng đã góp phần giúp nhiều hộ có thu nhập cao và đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa ngày Tết. Vừa bưng mẻ mứt gừng thơm ngon mới ra lò, chị Nguyễn Thị Minh Tâm, người nổi tiếng làm mứt gừng ngon, đẹp ở xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ, để làm mứt cho thị trường Tết, chúng tôi phải chuẩn bị nguyên liệu từ giữa tháng 11 âm lịch. Vào vụ Tết, mỗi ngày gia đình tôi cung ứng ra thị trường 3 - 4 tạ mứt thành phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Người dân làng nghề làm bánh tráng mỏng ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) đang tập trung vào mùa sản xuất hàng Tết. Ảnh: PV |
Dựa vào đơn đặt hàng, chúng tôi sẽ chủ động sản xuất, đảm bảo lượng hàng cung cấp cho các đầu mối. Không riêng gì ông Bảo, ở xã Hành Trung hiện có hơn 140 hộ làm nghề sản xuất bánh tráng mỏng bằng phương pháp thủ công, giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động. Nhờ đó, mỗi năm làng nghề cung ứng cho thị trường lượng sản phẩm khá dồi dào, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Cuối năm là thời điểm các mặt hàng phục vụ Tết được tung ra thị trường. Đa số đều được làm thủ công trên quy mô hộ gia đình. Song với xu hướng thị trường, người dân ở các làng nghề truyền thống cũng đã chịu khó học hỏi, tìm tòi để nâng cấp mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
T.NHỊ - H.HOA