Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ bị rủi ro

03:11, 09/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (CSXH) đã ban hành Quyết định 62 với các quy định xử lý nợ bị rủi ro theo nguyên nhân khách quan cho khách hàng vay. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý nợ tín dụng chính sách thời gian qua.
[links()]
 
Tháo gỡ vướng mắc
 
Những năm qua, cùng với hoạt động chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng tập trung cho công tác xử lý nợ quá hạn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khoản nợ chưa thể xử lý, tồn đọng kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho người vay và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
 
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà.          Ảnh: H.Hoa
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà. Ảnh: H.Hoa
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 10,5 tỷ đồng, chiếm 0,27%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn trên 7,3 tỷ đồng, chiếm 0,19%/tổng dư nợ, giảm hơn 900 triệu đồng so với năm 2020; nợ khoanh trên 3 tỷ đồng, tăng hơn 400 triệu đồng so với năm 2020. Nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn hầu hết rơi vào các trường hợp hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, không tìm được nơi ở hiện nay; người vay chết; bị bệnh hiểm nghèo...
 
Xuất phát từ thực tiễn trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng CSXH kèm theo Quyết định 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010. Ngày 27/9/2021, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 62 về quy định xử lý nợ bị rủi ro. Điểm quan trọng trong Quyết định 62 là có cơ chế xử lý nợ bị rủi ro với các nguyên nhân khách quan, như hộ vay vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 2 năm liền trở lên; khoản vay phải thu hồi theo bản án quyết định của tòa án; người vay hoặc các thành viên trong hộ gia đình bị bệnh cần chữa trị dài ngày, hoặc bị bệnh hiểm nghèo; bị suy giảm khả năng lao động trên 81% trở lên... Điều này đã góp phần tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động xử lý nợ rủi ro thời gian qua đối với tín dụng chính sách.
 
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây Trần Minh Thứ cho biết, thực hiện Quyết định 62, đơn vị đã đề nghị xóa nợ 3 món vay và khoanh nợ 4 món vay, với tổng số tiền 178 triệu đồng. Đồng thời, đang đề nghị xử lý nợ gốc quá hạn năm 2021 theo Quyết định 62 đối với 5 món vay, với số tiền 85 triệu đồng. Đây là các trường hợp người vay đã chết, hoặc bỏ đi khỏi địa phương hơn 2 năm không rõ tung tích. Tính đến ngày 24/10/2021, huyện Sơn Tây còn 23 hộ nợ quá hạn, với tổng số tiền trên 424 triệu đồng.
 
Nâng cao chất lượng tín dụng
 
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, sau khi Ngân hàng CSXH Việt Nam ban hành Quyết định 62, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo giám đốc các phòng giao dịch cấp huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quy định xử lý nợ bị rủi ro theo Quyết định 62. Qua rà soát, phân tích, tính đến ngày 24/10/2021, toàn tỉnh có 71 món vay đề nghị xóa nợ, với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng; có 90 món vay đề nghị khoanh nợ, với số tiền trên 2,7 tỷ đồng do nguyên nhân khách quan theo Quyết định 62.
 
Để giảm nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai nội dung Quyết định 08 và Quyết định 62 đến chính quyền cơ sở. Chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện quán triệt cán bộ tín dụng địa bàn phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể, công an cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện rà soát kỹ các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện xử lý rủi ro, trình cấp có thẩm quyền xử lý, đặc biệt các trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 2 năm trở lên.
 
"Công tác xử lý nợ bị rủi ro phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng nguyên nhân, quy trình, công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước", ông Cường nói.
 
HỒNG HOA
 
 
 

.