(Báo Quảng Ngãi)- Bà Võ Thị Mướn (58 tuổi) ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) ngày qua ngày miệt mài mưu sinh trên sông nước tại khu vực cửa Đại.
[links()]
Hằng ngày, vào lúc 4 giờ sáng, bà Võ Thị Mướn đeo đèn pin lên đầu, rồi lọ mọ chèo ghe ra cửa Đại để đón mua cá từ các giàn rớ nơi cửa biển. Sau đó, bà chèo ghe từ cửa Đại qua bên chợ Nghĩa Phú để bán cá. "Do ghe chưa lắp máy, nên từ cửa Đại qua bên chợ Nghĩa Phú mất chừng 1 tiếng chèo tay. Gặp bữa trời gió là hai tay mỏi rã rời, nhưng mệt mấy cũng không dám dừng ghe nghỉ lưng chừng vì sợ trễ bữa chợ”, bà Mướn nói.
Ở tuổi 58, bà Võ Thị Mướn là người lớn tuổi nhất mưu sinh ở cửa Đại. Ảnh: Ý Thu |
Sau khi thu mua cá vào buổi sáng, bà Mướn quay ghe từ Nghĩa Phú trở về cửa Đại để tiếp tục chờ đợi những mẻ lưới sau. Một ngày làm việc của bà Mướn lênh đênh trên sông nước từ sáng sớm đến tận chiều. “Nhà nào làm rớ giàn cũng làm một cái chòi để che nắng, che mưa. Còn mình, nắng thì đội nón, mưa thì mặc đỡ áo mưa rồi ngồi trên chiếc ghe nhỏ này thôi”, bà Mướn chia sẻ.
Trước khi gắn bó với nghề rỗi biển, bà Mướn cũng từng có mười mấy năm cùng chồng làm rớ giàn trên sông. Chồng bà không may đột ngột qua đời, một thân một mình không kham nổi việc kéo rớ, bà Mướn chuyển sang làm rỗi biển để “chạy chợ” nuôi con. Gần 20 năm miệt mài mưu sinh trên sông nước, bất kể nắng, mưa với những giỏ cá lúc vơi, lúc đầy, đã giúp bà Mướn nuôi 3 người con khôn lớn. Giờ đây, con cái đã yên bề gia thất, bà Mướn vẫn chưa có ý định “nghỉ hưu”. “Cứ chịu khó làm thì một tháng cũng có được 3 - 4 triệu đồng, phụ con cái tiền chợ búa hằng ngày, chứ con nó cũng đang phải vất vả nuôi các cháu”, bà Mướn tâm sự.
Chiếc ghe gắn với những năm tháng xuôi ngược trên sông nước của bà Mướn giờ đã chi chít những chỗ vá. Nhiều người khuyên bà nên đổi ghe, hoặc lắp một chiếc máy cũ tầm 5 triệu đồng để đỡ phải nhọc nhằn chèo tay mười mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng bà Mướn lúc nào cũng bảo: “Cứ từ từ. Tôi còn ráng được!”...
Ý THU