Ngành chế biến dăm, gỗ: Phát triển thiếu bền vững

09:11, 18/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sản phẩm dăm, gỗ từng được xem là mặt hàng xuất khẩu "truyền thống" của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, do việc phát triển thiếu bền vững, không có sự liên kết đã làm cho hiệu quả kinh tế không cao, trong khi dự báo những hệ lụy mà ngành này để lại trong tương lai là không nhỏ.
[links()]

 

Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ngãi.             ẢNH: THANH NHỊ
Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ngãi. ẢNH: THANH NHỊ
Phải có trách nhiệm với người trồng rừng
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành đề án phát triển rừng trồng, để đưa ngành sản xuất, chế biến dăm, gỗ phát triển đúng hướng. Khi các nhà đầu tư đăng ký hoạt động phải chỉ ra được nguồn nguyên liệu, phải có chủ rừng cụ thể. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người trồng rừng, đảm bảo cây keo không khai thác non. Nông dân, DN cần liên kết lại, hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, chất lượng phục vụ ngành chế biến gỗ đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cần hợp tác, chia sẻ với nhau nhiều hơn, để cạnh tranh lành mạnh, phát triển DN gắn với ổn định đời sống người trồng rừng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 63 dự án đầu tư chế biến dăm, gỗ được cấp phép đầu tư; trong đó có 28 dự án trong KCN, KKT và 35 dự án ngoài KCN, KKT, với diện tích 157ha. Ngoài ra, còn có 8 dự án thực hiện thuê đất để sản xuất dăm, gỗ ở 4 cụm công nghiệp, diện tích hơn 10ha. Tổng diện tích trồng keo trong tỉnh theo ước tính sơ bộ của ngành nông nghiệp khoảng 198 nghìn hécta và không ngừng tăng lên.

 
Theo thống kê, sản lượng dăm, gỗ xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021 xấp xỉ 1 triệu tấn, chủ yếu là xuất khẩu dăm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu dăm, gỗ là 140 triệu USD, nhưng gỗ chỉ có 4 triệu USD. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp (DN) chỉ chú trọng khai thác, chế biến dăm để xuất thô, chứ chưa chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến sâu để gia tăng lợi nhuận. Đó là chưa kể đến việc sự gia tăng "nóng" của ngành chế biến dăm, gỗ thông qua cấp phép ồ ạt, thiếu kiểm soát trong một thời gian dài, dẫn đến việc lập trạm thu mua gỗ keo tràn lan, không phép, ảnh hưởng đến quyền lợi của người trồng keo và DN hoạt động đúng quy định.
 
Khi cấp phép đầu tư, tỉnh đều yêu cầu các DN phải "chế biến gỗ theo hướng sử dụng tổng hợp gỗ, đa dạng hóa sản phẩm bao gồm gỗ nội, ngoại thất, các loại ván thanh, dăm gỗ và viên nén, trong đó các sản phẩm chế biến cao là chủ đạo, hạn chế xuất dăm thô". Tỷ lệ bắt buộc đưa ra trong mỗi nhà máy là từ 30% sản phẩm dăm gỗ trở xuống và từ 70% sản phẩm gỗ nội thất, ngoại thất, ván thanh trở lên. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, nhiều DN đã vi phạm cam kết này, vì chủ yếu là băm dăm xuất khẩu. Chính điều này đã dẫn đến những bất lợi cho người trồng keo và giảm giá trị kinh tế nói chung.
 
Các  doanh nghiệp tập kết dăm gỗ tại cảng PTSC để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Thanh Nhị
Các doanh nghiệp tập kết dăm gỗ tại cảng PTSC để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Thanh Nhị
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đại: "Hạn chế tối đa việc thu hoạch keo non"
 
Hiện nay, vùng nguyên liệu keo có 198 nghìn hécta, chưa kể diện tích trồng phân tán. Chu kỳ khai thác keo 5 năm/lần có thể chế biến ván thanh, còn loại 4 năm khai thác chỉ có thể băm dăm. Tại Quảng Ngãi, hiện chỉ có Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ thực hiện chu kỳ 7 năm, cộng với có chứng chỉ rừng, giá trị thu về cao hơn 20 - 25% so với thu hoạch chu kỳ thấp hơn. 
 
Giá cây gỗ lớn tại rừng 1,2 triệu đồng/m3; trong khi gỗ keo nhỏ dân thu hoạch, chở đến nhà máy bán chưa tới 1 triệu đồng/m3. Gỗ nhỏ bình quân cứ 2,6 tấn sẽ cho 1 tấn sản phẩm dăm, nhưng cây lớn chỉ 2,3 tấn là được 1 tấn dăm. Gỗ lớn thì thu 150 triệu đồng/ha; cây non chưa tới 100 triệu đồng/ha. Vì thế, việc hỗ trợ cho người dân giữ lại keo đến gỗ lớn thì DN và người trồng rừng đều có lợi. Về lâu dài, nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sẽ không được xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, kể cả thị trường truyền thống Trung Quốc. Vì thế, phải nắm bắt để làm cho chuỗi liên kết gỗ - dăm bền vững, tăng giá trị lên.
 
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Trọng: "Cần kiểm tra việc cam kết của DN"
 
Giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho DN đã quy định rõ việc chế biến sâu là chủ đạo, băm dăm là thứ yếu, nhưng nhiều DN chưa tuân thủ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thông báo định mức tỷ lệ tận dụng gỗ của các cây chủ lực thuộc rừng sản xuất theo độ tuổi, làm cơ sở yêu cầu DN tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc kinh doanh của các DN trong lĩnh vực này, cần thiết thì áp dụng các chế tài để xử lý. Yêu cầu các DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm; chấp hành nghiêm quy định giảm băm dăm thô, tập trung chế biến sâu để xuất khẩu.
 
Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp: "Giá trị ngành chế biến dăm, gỗ mang lại chưa tương xứng"
 
Đa số DN chế biến dăm, gỗ đang được ưu đãi về thuế, nên thu ngân sách rất ít. Năm 2020, ngành này nộp thuế chỉ 30 tỷ đồng, còn 10 tháng năm 2021 nộp 32 tỷ đồng. Qua báo cáo tài chính, ngành thuế nhận thấy là do mua nguyên liệu non, chi phí ngày càng tăng, lợi nhuận càng ngày càng thấp lại. Những năm 2004 - 2005, ngành dăm rất sôi động, lợi nhuận khá cao, nay ngày càng thu hẹp, lợi nhuận giảm. Tỉnh cần đưa ra quy định liên kết lại về giá, quy chuẩn hàng hóa, nguyên liệu, tạo sự ổn định, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam: “Sớm xây dựng chuỗi liên kết trồng, chế biến dăm, gỗ”
 
Huyện Ba Tơ hiện có diện tích trồng keo khá lớn. Gỗ keo nguyên liệu bán như hàng hóa thông thường, ai có thì bán, ai cần thì mua. Do chưa có sự thống nhất trong việc quản lý thu mua keo, nên thời gian qua có xảy ra tình trạng tranh giành vùng nguyên liệu, gây mất trật tự. Huyện vừa phát hiện và xử lý 12 trạm thu mua trái phép, nhưng xử  lý xong thì lại mọc lên trạm khác. Tỉnh cần xây dựng chuỗi liên kết, để mang lại giá trị bền vững cho người trồng rừng. Ngành chế biến gỗ có mặt ở Quảng Ngãi từ rất lâu, nhưng giá gỗ keo hầu như không tăng. Phát triển nông nghiệp của Ba Tơ chủ yếu là lâm nghiệp, trong đó có trồng keo, nhưng không liên kết được với DN, thì người dân khó thoát nghèo.
 
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ngãi Thang Văn Hóa: "DN sẵn sàng liên kết với nông dân"
 
Doanh nghiệp rất muốn liên kết với nông dân dưới sự tham gia giám sát của chính quyền. Tuy nhiên, người dân cần cam kết đồng hành cùng DN. Hiện tại DN đã có vườn ươm, cây giống đạt chất lượng; đồng thời sẽ đầu tư kinh phí để xây dựng vùng nguyên liệu giấy, khép kín chuỗi sản xuất. Từ trước tới nay, các DN sản xuất dăm, gỗ ở Quảng Ngãi chưa liên kết được với nhau để vươn ra "biển lớn". Một số DN tổ chức thu thu mua keo non chở đi ngoài tỉnh để xuất khẩu làm đứt gãy chuỗi sản xuất

 

THANH NHỊ 
(thực hiện)
 
 
 
 
 

.