(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc sửa đổi, bổ sung lần này đã tháo gỡ, bãi bỏ một số quy định, thủ tục vướng mắc, giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
[links()]
Doanh nghiệp được hỗ trợ còn ít
Sau hơn 3 tháng triển khai cho vay, đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh đã giải ngân số tiền trên 1 tỷ đồng cho 10 lượt DN, để trả lương cho 298 người lao động. Trong đó, cho vay trả lương ngừng việc cho 142 người lao động, với số tiền trên 486 triệu đồng; cho vay trả lương phục hồi sản xuất cho 156 người lao động, số tiền trên 535 triệu đồng.
|
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn và Công ty TNHH MTV TM và DVKT Nam Ngãi ký hợp đồng tín dụng cho vay trả lương cho người lao động ngừng việc. |
Giám đốc Công ty TNHH MTV TM và DVKT Nam Ngãi Nguyễn Thành Duy (Bình Sơn) chia sẻ, dịch Covid-19 kéo dài khiến DN hoạt động khó khăn, đành phải cho người lao động nghỉ việc. Vừa rồi, công ty đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn giải ngân cho vay gần 110 triệu đồng, để trả lương ngừng việc cho 32 lao động.
Theo Ngân hàng CSXH Việt Nam, tính đến đầu tháng 10/2021, các đơn vị trong toàn hệ thống đã giải ngân cho 921 lượt người sử dụng lao động, với số tiền 462 tỷ đồng, để trả lương cho 130.990 lượt người lao động. |
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên, vì còn vướng mắc về cơ chế, chính sách đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Trong đó, điều kiện về nợ xấu là một trong những “nút thắt” lớn, khiến DN khó tiếp cận gói vay 7.500 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, với chu kỳ quyết toán thuế 3 - 5 năm, nhiều DN chưa kịp quyết toán thuế năm 2020 cũng không đủ điều kiện để làm thủ tục vay vốn. Đặc biệt là, các DN thuộc nhóm lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bến xe Chín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Mai Linh và Chi nhánh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - Khai thác đường sắt Nghĩa Bình có tổng nhu cầu vay trả lương phục hồi sản xuất cho 453 người lao động, với số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có thông báo quyết toán thuế năm 2020 của cơ quan thuế, nên dù đã có hồ sơ vay vốn, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Đây cũng là vướng mắc chung của rất nhiều DN trong thời gian qua.
Tháo gỡ vướng mắc
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giúp DN sớm tiếp cận nguồn vốn lãi suất 0%, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, bỏ quy định về nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn, cũng như bỏ điều kiện phải có thông báo quyết toán thuế DN năm 2020... Việc tháo gỡ các vướng mắc lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội để các DN tiếp cận với nguồn vốn lãi suất 0%.
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, đơn vị sẽ tập trung giải quyết các hồ sơ vay vốn của các DN vận tải chưa được giải ngân; đồng thời, tiếp tục phối hợp các sở, ngành, hội đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách này đến các DN trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là, hướng dẫn DN làm các thủ tục vay vốn theo quy định, nhằm giúp DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đảm bảo nguồn tài chính để trả lương ngừng việc và trả lương khi phục hồi sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định hoạt động, cũng như tiếp tục phát triển trong thời gian đến.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA