(Báo Quảng Ngãi)- Thay đổi phương thức tiếp cận với khách hàng từ trực tiếp sang trực tuyến, chuyển hướng kinh doanh sản phẩm chú trọng vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu... là những thay đổi của nhiều người kinh doanh để xoay xở, thích ứng trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19.
[links()]
Biến thách thức thành cơ hội
Là chủ quán cà phê, chị Trương Thị Thu Hường, ở tổ 5, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) cho hay, dịch Covid-19 khiến hoạt động của quán bị ngắt quãng liên tục để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách hàng cũng giảm rất nhiều (khoảng 90%) so với trước đây, nên doanh thu từ kinh doanh cà phê giảm đi đáng kể, mặc dù quán vẫn duy trì hình thức giao hàng tận nhà phục vụ lượng khách hàng quen thuộc.
Cửa hàng bán sản phẩm OCOP của chị Trương Thị Thu Hường. |
Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan, kết nối các đơn vị, cửa hàng OCOP của chị Hường được khai trương ngay trong mùa dịch để trưng bày, mua bán các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, cửa hàng còn có các sản phẩm khởi nghiệp của nhiều cá nhân, đơn vị khắp các địa phương trong tỉnh. Chị Hường cho biết, ban đầu cửa hàng bán các sản phẩm như tỏi ngâm mật ong, nước mắm truyền thống, mắm cá niên, tinh bột nghệ, rau củ quả từ Măng Đen (Kon Tum), cá hồi nhập khẩu... Để tiếp cận khách hàng trong mùa dịch, cửa hàng đẩy mạnh giới thiệu trên các trang mạng xã hội. Những nhân viên từng làm việc tại quán cà phê linh hoạt thay đổi công việc sang đi giao hàng tận nhà cho khách hàng, nhưng chỉ treo tại cổng rồi khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, nhằm hạn chế việc tiếp xúc để đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Đẩy mạnh mua bán trực tuyến
Khi dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn nhu cầu tiêu dùng, mua sắm giảm xuống vì thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng. Bên cạnh các nhà hàng, quán cà phê, nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang như quần áo, giày dép cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Chị Cao Thị Hồng Phúc, chủ cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, cửa hàng của tôi phải thường xuyên đóng cửa. Khách hàng tiết kiệm chi phí hơn, còn những người có nhu cầu thì e ngại việc mua sắm trực tiếp. Trong khi đó, các khoản chi phí như mặt bằng, nhân viên vẫn phải chi trả để duy trì cửa hàng...
Chủ động thích ứng trong mùa dịch, nhiều cửa hàng quần áo đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến như giới thiệu mẫu mã, chất liệu, giá cả sản phẩm bằng cách chụp hình sản phẩm đăng tải trên các trang mua bán trực tuyến, trang mạng xã hội. Nhất là từ mùa dịch bùng phát đến nay, nhiều cửa hàng quần áo phần lớn chuyển sang hình thức chốt đơn, giao hàng. Ngoài bán lẻ từng sản phẩm, một số cửa hàng kích cầu bằng các gói sản phẩm quần áo trẻ em, quần áo mặc ở nhà, khuyến mãi để thu hút khách hàng. Theo đó, khách hàng chọn lựa sản phẩm trên mạng, nhân viên sẽ đóng gói sẵn vào túi để khách. Chi phí giao hàng từ 15 - 17 nghìn đồng/đơn hàng trong tỉnh, phí giao hàng ngoại tỉnh từ 30 - 35 nghìn đồng/đơn hàng.
“Số lượng khách đến mua sắm tại cửa hàng giảm hẳn, nên từ nhiệm vụ hỗ trợ khách hàng trực tiếp như trước đây, phần lớn nhân viên chuyển sang tập trung vào kinh doanh trực tuyến. Các sản phẩm cũng chuyển từ đầm váy sang đồ bộ mặc tại nhà theo thời tiết, đẩy mạnh các mặt hàng quần áo sơ sinh, trẻ em. Nhân viên thường xuyên cập nhật các mẫu mã sản phẩm trên trang fanpage, trả lời tin nhắn và tư vấn cho khách hàng”, chị Phúc cho biết.
Bài, ảnh:
BẢO HÒA