Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá

08:09, 01/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng có nhiều chuyển biến tích cực. 
[links()]
 
Đôi bên cùng có lợi
 
Những năm qua, hầu hết các tàu lưới vây công suất lớn trên địa bàn tỉnh khi vươn khơi đều có thêm một tàu hậu cần công suất nhỏ đi kèm. Nhiệm vụ chính của các tàu hậu cần này là phụ giúp tàu khai thác kéo lưới để lưới không bị vướng vào chân vịt, gây hư hao tài sản. 
Tàu thuyền của ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản.            Ảnh: PV
Tàu thuyền của ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: PV
Ngư dân Nguyễn Thanh Tâm, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) - người có tàu dịch vụ hậu cần cho biết, là tàu phụ giúp tàu lớn gom lưới, nên tôi chỉ cần sắm tàu nhỏ, công suất 120CV chứ không cần phải sắm ngư lưới cụ gì. Chi phí cho nghề vì vậy mà thấp hơn nhiều so với các nghề khác. Tôi bỏ công, bỏ tổn, bù lại, tàu khai thác sẽ trả công bằng cách ưu tiên bán lại một phần hải sản khai thác ngay trên biển. Có tháng, tôi đi làm hậu cần được 5 chuyến, được ưu tiên mua cỡ 100 tấn hải sản. Khi tàu khai thác mất mùa, thì tôi mua được 20 - 30 tấn/tháng. Tùy thời điểm thu nhập mà tôi trả lương cho 6 bạn tàu từ 8 - 25 triệu đồng/người/tháng.
 
Ngoài làm tàu dịch vụ hậu cần hỗ trợ các tàu lớn khai thác thủy sản, các ngư dân trên địa bàn tỉnh còn phát triển mạnh đội tàu thu mua hải sản trên biển. Hoạt động thu mua của các tàu hậu cần này giúp các tàu đánh bắt xa bờ tiêu thụ kịp thời hải sản ngay trên biển, thay vì phải mất nhiều công sức, phí tổn để bảo quản sản phẩm, cũng như nhiên liệu và thời gian vào bờ.
 
“Để đáp ứng nhu cầu của tàu khai thác, năm 2018, tôi đã đầu tư 2,4 tỷ đồng để sắm tàu lớn, công suất 703CV thay cho tàu 354CV trước đây. Ngoài thu mua hải sản trên biển với số lượng lớn, chúng tôi còn kiêm luôn dịch vụ cung ứng rau xanh, nhiên liệu cho ngư dân khi cần. Bình quân mỗi chuyến, tàu tôi vươn khơi từ 9 - 10 ngày, thu mua ở vùng lộng lẫn vùng khơi”, ngư dân Lê Tấn Sỹ, ở xã Bình Đông (Bình Sơn), người gắn bó với nghề thu mua hải sản trên biển hơn 20 năm qua, chia sẻ.
 
Chưa đáp ứng yêu cầu
 
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 200 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc phát triển các đội tàu này, nhất là tàu thu mua hải sản trên biển cũng như tàu hậu cần phụ giúp tàu lưới vây đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển của tàu khai thác trở nên thuận lợi hơn; chất lượng sản phẩm khai thác được bán đi kịp thời, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Tuy nhiên, trong khi tổng số tàu khai thác hải sản xa bờ toàn tỉnh có hơn 3.300 tàu, thì số lượng tàu làm dịch vụ hậu cần còn khá khiêm tốn, nên nhiều tàu khai thác vẫn chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ này.
 
Niềm vui của ngư dân sau phiên biển khơi xa.  Ảnh: PV
Niềm vui của ngư dân sau phiên biển khơi xa. Ảnh: PV
“Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tôi không dám đi biển dài ngày. Khi đánh bắt đạt sản lượng là tôi lại phải chạy vào bờ để bán ngay. Như chuyến biển vào đầu tháng 8 vừa qua, dù gặp được mẻ cá lớn, sau 5 ngày tôi đã đánh bắt được 5 tấn, nhưng vì không có tàu thu mua, nên tôi phải đưa tàu vào cảng để bán, rồi lại quay trở ra biển để đánh bắt tiếp”, ngư dân Nguyễn Thành Sơn, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), chia sẻ.
 
Theo Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Minh Đức, tuy ngư dân đã phát triển được đội tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, nhưng hầu hết các tàu này đều chỉ làm dịch vụ thu mua hải sản (hơn 150 tàu), còn dịch vụ hậu cần quan trọng như chuyển tải, dẫn dụ cá, sửa chữa, phụ giúp tàu cá trong khai thác hải sản chỉ dừng lại ở khoảng 50 tàu. Trong khi đó, đây lại là các dịch vụ hậu cần quan trọng, giúp ngư dân tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, giảm bớt các rủi ro trên biển.
 
Ý THU
 
 
 
 

.