Khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã tiếp nhận và sửa chữa tàu Apollo có trọng tải hơn 105 nghìn tấn. Ảnh: Quốc Thịnh |
Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) Dương Văn Rin, chính quyền nên xây dựng, thống nhất ban hành các tiêu chí và điều kiện cụ thể về phòng, chống dịch Covid-19 đối với DN. Trên cơ sở đó, DN chủ động xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất gắn với vận hành linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Giả sử, khi xuất hiện F0 thì trên cơ sở tham vấn của ngành y tế, DN sẽ triển khai các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa trong phạm vi hẹp nhất, gắn với việc kiểm soát chặt chẽ.
"Việc xét nghiệm cho công nhân, nên để DN chịu trách nhiệm tổ chức và khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia... nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhưng tiết kiệm thời gian, nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý". Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) DƯƠNG VĂN RIN |
Bộ tiêu chí cũng cần quy định cụ thể việc xét nghiệm gắn với tỷ lệ phủ vắc xin phòng Covid-19, giúp DN giảm áp lực chi phí và thời gian. Chẳng hạn, công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì không cần thiết phải xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 liên tục, mà chỉ cần 15 - 20 ngày/lần.
Đại diện một DN tại KCN VSIP Quảng Ngãi thì cho rằng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trong khu vực nhà máy, DN đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền các cấp, nên ổ dịch sớm được kiểm soát và khống chế. Tuy nhiên, thiệt hại về kinh tế là rất lớn, trong đó có việc chậm trễ giao hàng cho các đối tác nước ngoài, vì sản xuất đình trệ, số lượng công nhân cách ly tập trung đông. Vị này đề xuất, để sớm trở lại trạng thái bình thường trong sản xuất, kinh doanh, ngoài sự chủ động và nỗ lực của DN trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng nâng cao năng lực tự quản lý dịch bệnh, tự chịu trách nhiệm, chúng tôi mong chính quyền các cấp nên quan tâm hỗ trợ. Trong đó, có việc thực thi hiệu quả Nghị quyết 105 của Chính phủ về việc hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh như miễn, giảm các loại thuế, phí...
Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng chiến lược “sống chung với dịch bệnh” và cụ thể hóa theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành và được tuyên truyền trực tiếp kết hợp phát tờ rơi cho người dân, công nhân... Cùng với đó, ngành y tế cần hướng dẫn DN và KCN VSIP Quảng Ngãi thành lập các Tổ y tế lưu động phản ứng nhanh, để nâng cao kỹ năng và hiệu quả phòng, chống dịch cho DN, cũng như cán bộ, người lao động tại KCN.
Để khôi phục và duy trì sản xuất trong tình hình mới, doanh nghiệp kiến nghị chính quyền cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân. |
Doanh nghiệp trong KCN VSIP Quảng Ngãi được hoạt động trở lại
Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản cho phép các doanh nghiệp trong KCN VSIP Quảng Ngãi trở lại hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Riêng các nhà máy: Sản xuất đồ gỗ nội thất Happy Dung Quất, Sản xuất tròng mắt kính Hoya Lens Việt Nam 2 - Dung Quất, Sản xuất giày Properwell - Dung Quất, giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương xem xét các điều kiện cụ thể để cho nhà máy trở lại hoạt động bình thường tại thời điểm phù hợp khi đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch an toàn.
H.ANH
|
Theo một số DN, bệnh Covid-19 nguy hiểm, nhưng xác suất điều trị khỏi khá cao, nếu được phát hiện, điều trị kịp thời. Do đó, xã hội không nên kỳ thị và xa lánh người mắc Covid-19, vì điều này sẽ gây ra tâm lý “giấu bệnh”, hoặc ngại đi lấy mẫu xét nghiệm (trừ các khu vực phong tỏa). Khi dịch Covid-19 bùng phát, DN không chỉ tổn thất về kinh tế, mà một số bạn hàng và đối tác cũng có cái nhìn thiếu thiện chí; thậm chí nhân viên, công nhân mắc bệnh và cả người thân bị kỳ thị, xa lánh, trong khi họ cũng chỉ là bệnh nhân, cần được thông cảm và chia sẻ.
“Đặc thù của KCN Quảng Phú là công việc thời vụ, nên công nhân cũng sẽ làm theo dạng “vần công” giữa các DN. Việc thực hiện “3 tại chỗ” không chỉ tăng áp lực chi phí cho DN, mà công nhân cũng không yên tâm trong quá trình làm việc, nên hiệu quả lao động thấp. Đó là chưa kể việc vận chuyển nguyên liệu phục vụ sơ chế và chế biến phát sinh nhiều chi phí xét nghiệm cho tài xế, rủi ro cũng cao khi di chuyển. Vì vậy, để giúp DN từng bước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi mong chính quyền các cấp hãy thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là không tạo ra các loại giấy phép “con”, khiến DN tăng chi phí sản xuất”, đại diện Công ty TNHH Hoàn Vũ (KCN Quảng Phú) bày tỏ.