(Báo Quảng Ngãi)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quảng Ngãi đã tập trung ứng phó hiệu quả; trong đó có việc ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
[links()]
Tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch
Ngay từ đầu năm 2021, Quảng Ngãi đã xác định nhiều khó khăn trong thu ngân sách, cộng với việc mất cân đối ngân sách của năm 2020 để lại sẽ là một thách thức lớn. Không những thế, đến giữa năm, dịch Covid-19 bùng phát, phá vỡ "kịch bản bình thường" đã xây dựng trước đó. Những ưu tiên chi ngân sách dự kiến ban đầu phải dừng lại, thay vào đó là ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều trường hợp ưu tiên được tiêm vắc xin phòng Covid-19. ẢNH: PV |
Tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến cuối năm 2021, Quảng Ngãi sẽ cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn dự phòng phòng, chống dịch Covid-19. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách; quyết liệt thu hồi nợ tạm ứng, với khoảng 400 tỷ đồng để tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là xem xét cụ thể đối với việc điều chỉnh, cắt giảm kinh phí của các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết. Căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác mà vẫn còn khó khăn, tỉnh sẽ đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Đối với việc chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Quảng Ngãi đã thực hiện đúng tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Đơn cử như chi hỗ trợ kinh phí cho cách ly, điều trị F0, F1, UBND tỉnh phân cấp cho Sở LĐ-TB&XH ban hành văn bản quy định cụ thể thời gian giải quyết hồ sơ từ cấp xã, đến huyện và lên Sở, đảm bảo đơn giản, thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng. Hiện tại, thời gian giải quyết cấp kinh phí này không quá 20 ngày làm việc. Các cơ quan khi đề xuất mua sắm vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ phải dựa trên nguồn dự toán được giao và nguồn kinh phí hợp pháp khác, công khai, minh bạch, phù hợp kịch bản ứng phó với dịch Covid-19, tuyệt đối không được lãng phí nguồn lực tài chính.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những tháng cuối năm 2021 của ngành là chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài nguồn lực ngân sách, sẽ huy động nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, chủ yếu là mua vắc xin phòng Covid-19 và mua sắm vật dụng cần thiết khác. Về cắt giảm khoản chi chưa cần thiết, mặc dù kinh phí không lớn, toàn tỉnh chỉ khoảng 30 tỷ đồng, nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải dự toán cắt giảm chi tương ứng để giữ ổn định hoạt động.
THANH NHỊ