Ổn định thị trường trong thời điểm có dịch Covid-19

08:08, 17/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay nhìn chung khá ổn định, song từng lúc, từng nơi cũng xảy ra tình trạng tăng giá. Nguyên nhân là do người dân đổ xô đi mua sắm do sợ dịch Covid-19 bùng phát.
[links()]
Chiều 10/8, sau khi huyện Bình Sơn có các ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (có tăng cường một số điểm - PV) cho toàn bộ địa bàn huyện. Ngay lập tức, người dân đổ xô đi mua sắm lương thực, thực phẩm, dù chính quyền địa phương thông báo các chợ, siêu thị vẫn mở cửa bình thường. Tại một số chợ, cửa hàng kinh doanh thương mại ở thị trấn Châu Ổ, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng, do người mua nhiều, gây ra tình trạng khan hiếm cục bộ. Đơn cử như giá bán trứng gà, vịt đã tăng 20% (trứng gà bán với giá 60 nghìn đồng/chục; trứng vịt 52 nghìn đồng/chục); thịt heo tăng 20 - 25% (từ 170 - 180 nghìn đồng/kg); cá biển tăng 20 - 30% tùy loại... Mặt hàng gạo dù không thiếu, song giá bán cũng tăng khoảng 2 nghìn đồng/kg.
 
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big GO! Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi).
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big GO! Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi).
Tương tự, tại TP.Quảng Ngãi, các siêu thị ghi nhận lượng khách hàng đến mua hàng hóa tăng mạnh, khi địa phương này cũng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường.
 
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Minh Tâm cho rằng, việc tăng giá là nhất thời, không phổ biến và không đáng lo ngại, vì hàng hóa khá dồi dào. Mặc dù dịch bùng phát, nhưng các siêu thị, chợ vẫn mở cửa bình thường, ngoại trừ một số chợ trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa để khử khuẩn, phong tỏa theo quy định. Sau khi tăng trong một khoảng thời gian ngắn, giá cả sẽ trở lại theo quy luật thị trường.
 
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện, mặc dù ngành tài chính có chức năng quản lý giá, nhưng chỉ quản lý đối với mặt hàng Nhà nước quy định phải xây dựng giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, những mặt hàng thời gian qua tăng giá lại chủ yếu là hàng hóa có giá bán theo quy luật cung - cầu. Khi sức mua tăng, hàng hóa khan hiếm ngay tức thời sẽ bị đẩy giá lên. Việc tăng giá hàng hóa thiết yếu mà chủ yếu là thực phẩm, rau xanh là do cung cầu của thị trường.
 
Liên quan đến việc quản lý giá cả hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt cho biết, thời gian qua, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu vẫn dồi dào, không bị đứt gãy. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến bất ngờ, nên tại một số địa bàn hẹp, hàng hóa có dấu hiệu thiếu hụt cục bộ trong thời gian ngắn. "Chúng tôi kêu gọi các tiểu thương cần chia sẻ khó khăn với người dân vùng dịch, giữ giá bán ổn định để người dân thuận lợi hơn trong mua sắm hàng hóa thiết yếu", ông Đạt nói.
 
Để kiểm soát kịp thời giá cả trong thời điểm có dịch, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã có văn bản yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Công thương xây dựng, tham mưu cho tỉnh các quy định, tránh tình trạng mỗi lần có dịch bùng phát là giá cả hàng hóa lại tăng bất hợp lý.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.