Mạng lưới quan trắc môi trường nước biển ven bờ: Cần được mở rộng

09:08, 23/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù tỉnh đã xây dựng và duy trì mạng lưới quan trắc môi trường nước biển ven bờ, song do kinh phí hạn chế, nên số lượng điểm, tần suất quan trắc hằng năm vẫn còn ít, chưa đủ để nắm toàn bộ hiện trạng môi trường nước biển ven bờ của tỉnh.
[links()]
Thông tin về môi trường rất quan trọng
 
Thời gian qua, để đáp ứng những thông tin cần thiết và các yêu cầu cơ bản trong hệ thống quản lý môi trường, tỉnh đã phát triển mạng lưới quan trắc môi trường nước biển ven bờ gồm 19 địa điểm quan trắc. Việc lấy mẫu nước biển để quan trắc định kỳ được thực hiện với tần suất 3 lần/năm, tại các địa điểm như: Vùng nuôi trồng thủy sản các xã ven biển huyện Mộ Đức; vùng bãi tắm Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi); Thiên Đàng (Bình Sơn); Châu Me, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và một số bến cá, cảng cá, cảng dịch vụ... Việc đo lường các thông số liên quan đến môi trường biển như: Hàm lượng các kim loại nặng, tổng dầu, mỡ, Coliform (tên một loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe con người)... thông qua hoạt động quan trắc định kỳ đã trở thành cơ sở thông tin cho tỉnh trong quản lý, đánh giá tác động môi trường và kiểm soát ô nhiễm.
 
Vùng nước biển ven bờ xã Đức Phong (Mộ Đức), một trong các địa điểm được quan trắc.
Vùng nước biển ven bờ xã Đức Phong (Mộ Đức), một trong các địa điểm được quan trắc.
Theo kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ năm 2019 các cảng Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), Sa Kỳ (Bình Sơn), bến cá Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), bến tàu Đức Lợi (Mộ Đức)... đều có hàm lượng kim loại nặng, dầu, mỡ... Tại cảng Sa Huỳnh, sau khi quan trắc và phát hiện hàm lượng Coliform  trong nước (vào tháng 3/2019) vượt giới hạn cho phép 4,3 lần, ngành TN&MT đã thông báo về địa phương, thông tin đến người dân và tìm hướng xử lý. Đến tháng 7/2019, hàm lượng Coliform trong nước về lại giới hạn cho phép của quy chuẩn.
 
Tại kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ năm 2020, sau khi đo được nồng độ NH4+ tại các vùng nuôi trồng thủy sản Đức Phong, Đức Chánh (Mộ Đức) đều vượt giới hạn cho phép, ngành TN&MT đã thông tin về các địa phương để khuyến cáo đến người nuôi tôm. Từ đó, giúp người nuôi kịp thời xử lý ao nuôi để điều chỉnh nồng độ NH4+, bởi chỉ số này tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, sinh sản của tôm nuôi.
 
Chưa đáp ứng yêu cầu
 
Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong phát triển, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường nước biển, tuy nhiên, năng lực của hoạt động quan trắc vẫn chưa thể giám sát toàn diện diễn biến môi trường nước ven bờ của tỉnh.
 
Theo quy định về quan trắc môi trường nước biển của Bộ TN&MT (Thông tư 24/2017/TT-BTNMT), đối với việc quan trắc môi trường nước biển ven bờ, tần suất quan trắc phải được thực hiện tối thiểu 4 lần/năm. Tuy nhiên, từ trước đến nay, định kỳ quan trắc môi trường nước ven bờ trên địa bàn tỉnh chỉ được thực hiện với tần suất 3 lần/năm (thực hiện từ tháng 3- 10 hằng năm). Do đó, hoạt động quan trắc vẫn chưa thể phản ánh đầy đủ hiện trạng chất lượng môi trường nước của cả năm.
 
Mặt khác, dù Quảng Ngãi là địa phương có đường bờ biển dài khoảng 130km, nhưng số lượng điểm lấy mẫu nước biển ven bờ mới chỉ dừng lại ở 19 điểm. Do vậy, nhiều địa điểm, dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhưng không nằm trong danh mục được quan trắc môi trường.
 
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Cao Văn Cảnh, trước những hạn chế trong hoạt động quan trắc môi trường nước biển ven bờ, trong Quyết định 701/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh ban hành, tỉnh đã nâng tần suất quan trắc hằng năm từ 3 lên 4 lần. Mặt khác, số điểm quan trắc sẽ từ 19 nâng lên 21 điểm. Trong số các điểm được quan trắc này, Sở TN&MT đề xuất loại bỏ 6 vị trí không còn phù hợp, tiếp tục kế thừa 13 vị trí cũ, bổ sung 8 vị trí mới giai đoạn 2021 - 2025 và kế thừa 13 vị trí, bổ sung 9 vị trí mới, giai đoạn 2026 - 2030.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.