(Baoquangngai.vn)- Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu thị trường trong nước, giảm nhập khẩu xăng dầu, nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước.
BSR tồn khoảng 200.000m3 sản phẩm xăng dầu các loại
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới bùng phát và diễn biến rất phức tạp. Hầu hết các tỉnh, thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh phía nam và một số tỉnh miền Trung- Tây Nguyên phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong một thời gian dài, khiến sản lượng xăng dầu tiêu thụ giảm mạnh. Đây là những thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn nhất trong nước, chiếm 60 - 70%. Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị cung cấp sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố nêu trên, nên ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ xăng dầu nói chung và sản phẩm của NMLD Dung Quất nói riêng.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện đang tồn kho rất cao, nguy cơ phải tạm dừng Nhà máy nếu như không còn chỗ |
Đại diện BSR cho biết, tình hình tiêu thụ của các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đang giảm mạnh, dẫn đến tồn kho tăng nhanh và hầu như không còn sức chứa. Trong khi nhập khẩu xăng dầu 7 tháng đầu năm 2021 có giảm nhưng vẫn ở mức cao, khiến cho áp lực sản xuất và kinh doanh xăng dầu của BSR ngày trở nên khó khăn, khách hàng tạm hoãn hoặc chậm nhận hàng.
"Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên tiêu thụ sản xuất trong nước, trong đó có sản phẩm của NMLD Dung Quất là chính đáng. Chủ trương của Chính phủ là ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là thời điểm chúng ta đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Giảm nhập khẩu nguyên liệu xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn tiếp tục ổn định sản xuất, nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh
|
Và thực tế, trong tháng 7/2021, khách hàng của BSR cam kết nhận hàng vẫn ở mức trên 70% nhu cầu thị trường, nhưng do diễn biến dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ giảm xuống chỉ còn hơn 30%. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối. Vì vậy, ngay từ lúc này, các bộ, ngành trung ương cần đánh giá nhu cầu thực của thị trường, để có sự điều tiết vĩ mô và cân đối lượng hàng nhập khẩu cho phù hợp, đại diện BSR cho biết thêm.
Hiện tại, kho NMLD Dung Quất đang tồn khoảng 200.000m3 sản phẩm xăng dầu các loại và gần 400.000m3 dầu thô. Lượng tiêu thụ giảm và tồn kho tăng cao dẫn đến nguy cơ nhà máy phải tạm dừng hoạt động nếu như không còn chỗ chứa là điều không thể tránh khỏi.
Hợp tác để sử dụng, tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, Việt Nam chi hơn 57.200 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu, tính trung bình mỗi tháng hơn 8.170 tỷ đồng. Thay vì phải chi hơn 8.000 tỷ đồng/tháng cho nhập khẩu xăng dầu thì các đầu mối thương nhân trong nước cần hợp tác để sử dụng, tiêu thụ tối đa lượng xăng dầu sản xuất trong nước có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Như vậy, cũng góp phần giảm chỉ tiêu ngân sách và tình trạng nhập siêu của Việt Nam.
BSR là doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho hoạt động An sinh xã hội tại Quảng Ngãi, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 |
Chất lượng xăng dầu của BSR tương đương với hàng nhập khẩu và tuân thủ các quy định của Quốc tế và Tiêu chuẩn Việt Nam. Giá bán xăng dầu trong nước được xây dựng trên nguyên tắc thị trường và cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực được ưu đãi với mức thuế nhập khẩu thấp nhất, như giá bán xăng của BSR được xây dựng tương đương với xăng nhập khẩu từ các nước khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc (có thuế nhập khẩu 8%), giá bán dầu DO được xây dựng tương đương với dầu nhập khẩu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc (có thuế nhập khẩu 0%).
Việc tiêu thụ xăng dầu trong nước còn mang lại một số lợi thế như chi phí vận tải (cước phí, thời gian quay vòng tàu), hạn chế rủi ro biến động tỷ giá trong kỳ thanh toán, chi phí thuế VAT đối với hàng nội địa được trả sau 30 ngày cùng với tiền hàng…
Trên 34 tỷ đồng cho công tác phòng, chống Covid-19
BSR là đơn vị luôn tích cực và đồng hành thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong 8 tháng năm 2021, BSR đã đóng góp trên 34 tỷ đồng cho công tác phòng, chống Covid-19 trên cả nước.
|
Rất cần sự hỗ trợ, điều tiết của Chính phủ
Thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ, điều tiết của Chính phủ thông qua các chính sách vĩ mô, trực tiếp để tháo gỡ tình hình khẩn cấp như hiện nay, đặc biệt cho các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là vấn đề điều tiết vĩ mô thông qua nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Vì vậy, việc kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi trong việc điều tiết vĩ mô hoạt động kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn đặc biệt khó khăn là việc làm hết sức bình thường, chính đáng, nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, mỗi năm, NMLD Dung Quất đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Dự báo những tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các địa phương trong nước tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh. Điều này làm cho nhà máy phải giảm công suất, nên sẽ có khả năng sản xuất không đạt sản lượng đề ra. Khi đó, nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi từ NMLD Dung Quất cũng bị ảnh hưởng lớn.
Nếu NMLD Dung Quất phải dừng hoạt động thì người lao động bị mất việc làm, thu ngân sách bị sụt giảm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, thiệt hại rất lớn về kinh tế và gây nguy cơ mất an toàn…
Việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp đã thể hiện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi luôn đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm với doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bài, ảnh:
KHÔI NGUYÊN