Kiểm soát việc khai thác trái ngư trường

01:08, 22/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải khai thác hải sản ở tuyến xa bờ, tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đánh bắt ở tuyến lộng, dưới 12m khai thác hải sản ở tuyến ven bờ... Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít tàu cá thuộc diện đánh bắt xa bờ lại tập trung khai thác hải sản ven bờ.
[links()]
“Mùa này vùng biển ven bờ có nhiều loại cá nục, trích, hố, trác... những loại cá đang được thị trường tiêu thụ mạnh, nên giá bán cao”, ngư dân N.V.B, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), lý giải khi tàu cá có chiều dài 15m, nhưng lại khai thác hải sản ở vùng biển huyện Lý Sơn. Không chỉ ông B, một số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, hoặc từ 12m đến dưới 15m cũng tập trung khai thác hải sản vùng ven bờ, thay vì xa bờ hay vùng lộng.
 
Tàu ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: PV
Tàu ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: PV
Đáng ngại nhất là trong số các tàu khai thác sai vùng, thì tàu hành nghề lưới kéo (giã cào) chiếm đa số. Việc tàu giã cào khai thác sai quy định không chỉ làm cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ, mà còn gây thiệt hại ngư lưới cụ của ngư dân chuyên đánh bắt hải sản gần bờ. “Đặc thù của ngư dân bãi ngang là chiều thả lưới, sáng ra kéo. Nhưng vào vụ cá bờ, tàu giã cào hoạt động nhiều, nên chiều thả lưới là tôi lo ngay ngáy. Năm nào tôi cũng bị mất, hoặc hư vài ba tấm lưới vì tàu giã cào”, ông Nguyễn Đức Bút, ở xã Đức Minh (Mộ Đức), cho biết.
 
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hoạt động khai thác hải sản sai tuyến của các tàu giã cào thường diễn ra vào ban đêm, nên việc phát hiện và xử lý tàu vi phạm rất khó. Tình trạng tàu cá hoạt động sai luồng, tuyến vẫn chưa được kiểm soát và liên tục tái diễn, nhất là khi khu vực ven bờ bước vào vụ khai thác chính. Nguyên nhân là do chi phí chuyến xa bờ cao, nhưng sản lượng hải sản giảm, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên sản phẩm hải sản khai thác xa bờ bấp bênh đầu ra, giá bán thấp hơn so với các loại được đánh bắt ven bờ. Do đó, có nhiều chủ tàu có chiều dài hơn 15m đã làm đơn xin phép được khai thác hải sản ở tuyến lộng, tàu trên 12m đánh bắt ở khu vực ven bờ. Tuy nhiên, theo quy định, việc thay đổi luồng, tuyến phải gắn với việc cải hoán tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ tương ứng với ngành nghề tốn khá nhiều chi phí, nên ngư dân thường hoạt động chui!
 
Để chấn chỉnh tình trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, cần sự hợp sức của chính quyền các địa phương ven biển trong việc tuyên truyền quy định và nội dung Luật Thủy sản. Việc khai thác đúng luồng, tuyến cũng là giải pháp để bảo vệ và nâng cao sản lượng, chất lượng nguồn lợi hải sản, đảm bảo ổn định và bền vững sinh kế ngư dân. Tuy nhiên, theo các địa phương, trách nhiệm quản lý nghề cá và ngư trường khai thác là của Chi cục Thủy sản tỉnh; còn việc “gác cổng” tàu cá xuất, nhập bến là của lực lượng bộ đội biên phòng. Hơn nữa, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên buộc phải gắn và vận hành thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình khai thác hải sản trên biển, nhưng những tàu hoạt động sai luồng, tuyến ít bị lực lượng chức năng phát hiện thông qua thiết bị này. Chính sự thiếu kiên quyết xử lý vi phạm là nguyên nhân làm cho tình trạng tàu cá hoạt động sai luồng, tuyến thường xuyên tái diễn.
 
Ngoài ra, cùng với việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của các ngành chức năng, tỉnh cần sớm thực hiện đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân, giúp họ có điều kiện tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá, hoặc hành nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
 
THANH PHONG
 
 

.