(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, số lượng hợp tác xã (HTX) được thành lập mới trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhiều HTX ra đời đã thể hiện được vai trò trong liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, để các HTX phát triển bền vững, cần có sự quan tâm, trợ lực của các cấp, ngành và chính quyền địa phương.
[links()]
Chuyển biến tích cực ở miền núi
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 263 HTX, với hơn 300 nghìn thành viên. Số lượng HTX trong những năm gần đây không ngừng tăng lên. Riêng năm 2020, có 16 HTX được thành lập mới theo Luật HTX 2012, tăng 5% so với năm 2019, trong đó, chủ yếu là HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX được thành lập dựa trên 2 mục tiêu kép, đó là tiền đề trong xây dựng nông thôn mới và tổ chức đứng ra huy động nhân dân trong việc tổ chức sản xuất, tạo đầu ra cho nông sản địa phương.
Thông qua chuỗi liên kết, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Sơn Hà ngày càng được người tiêu dùng biết đến. |
Trong đó, nhiều sản phẩm đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa Soli của Sơn Tây... Đặc biệt, sản phẩm của một số HTX đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 3 sao như gà đen, ớt xiêm, mắm cá niên Sơn Hà. Những sản phẩm này đã được đưa vào hệ thống Siêu thị Big C, Co.op Mart trong cả nước, ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa cho biết: Kể từ khi các sản phẩm gà đen, ớt xiêm, mắm cá niên của HTX được đánh giá đạt chất lượng OCOP cấp tỉnh đã mở ra cơ hội mới trong việc đưa sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Hiện HTX tiếp tục mở rộng liên kết với người dân trong việc thu mua và chế biến các đặc sản của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương.
Cần sự trợ lực
Mặc dù số lượng HTX có tăng về số lượng và chất lượng, nhưng so với các HTX được thành lập trước đây, thì số lượng thành viên tham gia còn rất ít. Nguyên nhân là do sức hấp dẫn của HTX đối với người dân chưa cao. Các cấp, ngành và chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến sự phát triển của HTX. Trong khi đó, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể còn nhiều bất cập, chưa đi sâu vào thực tiễn.
Một trong những rào cản lớn nhất của các HTX mới thành lập là thiếu vốn, thiếu quỹ đất để phát triển sản xuất... Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn ngân hàng của HTX nông nghiệp vẫn là bài toán khó giải. Vì vậy, để tạo tiền đề cho HTX phát triển bền vững, bên cạnh sự nỗ lực trong tư duy làm kinh tế của HTX, Nhà nước cần có chính sách về vốn cho HTX.
Về phía chính quyền các địa phương, cần quan tâm tạo điều kiện về quỹ đất để HTX có cơ sở sản xuất. Đồng thời, lựa chọn những HTX có năng lực để giao các dự án về phát triển sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới cho HTX làm, giúp họ tạo ra nguồn lực. Bởi thực tế, qua phản ánh của các HTX, thì một số HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh dù đã có kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra các loại giống cây trồng hay giống gà... phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Nhưng thay vì mở ra cơ hội cho chính các HTX, thì một số địa phương lại chọn mua giống cây, con tại các tỉnh khác mang về hỗ trợ cho người dân, dẫn đến cây, con giống không hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, bị chết hàng loạt, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Bài, ảnh: HỒNG HOA