Nông dân khốn đốn vì "kẻ hủy diệt cây trồng"

09:03, 02/03/2021
.
(Baoquangngai.vn) - Thăm đồng sau Tết, nhiều nông dân khốn đốn vì sâu keo mùa thu, sinh vật ngoại lại được mệnh danh là “kẻ hủy diệt cây trồng” lại hoành hành trên cây bắp non.
[links()]
 
Phun 3 lần thuốc vẫn không chết sâu

Ra thăm đồng sau Tết, ông Trương Lực ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) bần thần khi 3 sào bắp lại bị sâu keo cắn phá tan tành dù ông vừa phun thuốc hôm 29 Tết.

Bắp mới tỉa giáp tháng, ông đã phun 3 lần thuốc vẫn không chết hết sâu. Sâu  keo cứ chui vào đọt, ăn gãy đọt, ăn ra tới lá. “Vụ trước đã khốn đốn vì nó. Tôi cày, xới, đốt cỏ, vệ sinh đồng ruộng rất kỹ, nghĩ nó chết hết rồi. Vụ này lại tiếp tục cắn phá cây bắp”- ông Lực than thở.

Vụ trước, 3 sào bắp của ông Lực chỉ thu được 6 tạ bắp. Sâu keo đục cả vào trong trái bắp nên ông nhẩm tính thất thu 5,5 triệu đồng so với các vụ trước.
 
Nông dân khốn đốn vì sâu keo mùa thu cắn phá bắp non.
Nông dân khốn đốn vì sâu keo mùa thu cắn phá bắp non.
Nhiều hộ dân khác cũng đang lo lắng vì nạn sâu keo hoành hành. Mấy mươi năm trồng bắp, đây là năm thứ hai ông Nguyễn Tâm, ở thôn Vạn An 3, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) gặp phải loại sâu này.

Ông Tâm trồng 4 sào bắp, đã phun 3 lần thuốc. Khi cây bắp được 3 lá non, trên lá có vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng. Vài ngày sau, sâu cắn phá làm lá bị thủng lỗ trỗ.

Phun  thuốc thấy có hiệu quả, ông nghĩ đã hết sâu nhưng không ngờ kiểm tra ruộng lại phát hiện sâu keo vẫn còn. Sâu chui vào đọt cắn nát đọt cây. Chúng gây hại ở hầu hết các giống bắp, nặng nhất là  2 sào bắp nếp của gia đình ông Tâm.

“Năm ngoái tôi cũng khổ sở với con sâu này. Phun thuốc hoài không chết hết sâu, bực quá cứ chiều tối tôi ra ruộng vạch lá bắt sâu mới cứu vãn được hơn nữa diện tích bắp”- ông Tâm nói.
 
côn trùng đa thực nguy hiểm
Sâu keo mùa thu là côn trùng đa thực nguy hiểm, mệnh danh là "kẻ hủy diệt cây trồng".

 

Khuyến khích sử dụng các biện pháp sinh học

Sâu keo mùa thu (tên khoa học là Spodoptera Frugiperda) là sinh vật ngoại lai, côn trùng đa thực nguy hiểm có nguồn gốc tại châu Mỹ. Chúng xuất hiện và gây hại tại Quảng Ngãi vào vụ hè thu năm 2019.

Chúng có thể gây hại trên 80 loài thực vật như bắp, lúa, mía… Sâu có khả năng di chuyển xa, phát tán mạnh, sinh sản cao, phàm ăn, kháng thuốc, giảm năng suất cây trồng nên được mệnh danh là “kẻ hủy diệt cây trồng”.

Sâu có đặc điểm là đầu hình chữ Y ngược, lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song. Đặc tính trưởng thành hoạt động và đẻ trứng về đêm, thời gian sống dài. Trên đồng ruộng sâu thường gối lứa nên việc phòng trừ gặp nhiều khó khăn.
 
bắp
Cây bắp non bị sâu keo chui vào cắn đứt cả đọt.

 

Ông Lê Thanh Trà, nhân viên kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho biết, hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc được đăng ký để phòng trừ sâu keo mùa thu. Một số loại thuốc ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng để phòng trừ là Match 050EC, Opulent 150 SC, Radiant 60SC.

Nông dân nên phun thuốc khi sâu mới xuất hiện; phun 2 lần, cách nhau 10-12 ngày, phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, nồng độ, liều lượng đúng hướng dẫn trên bao bì để đạt hiệu quả cao nhất.

Biện pháp canh tác là làm sạch ruộng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Trước khi xuống giống, làm đất phơi khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiện địch tiêu diệt.

Phòng trừ sâu keo hiệu quả, nông dân cần thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp, khuyến khích sử dụng các biện pháp sinh học, thủ công. Biện pháp thủ công, bắp ở giai đoạn 3-6 lá khi phát hiện ổ trứng, nông dân ngắt tiêu hủy, sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng pha loãng đổ vào nõn diệt sâu non.
 
Khuyến khích sử dụng các biện pháp thủ công, sinh học để phòng trừ sâu keo mùa thu.
Khuyến khích sử dụng các biện pháp thủ công, sinh học để diệt trừ sâu keo mùa thu.

 

Cũng theo ông Trà, để nông dân có thể làm bẫy chua ngọt để diệt sâu. Mùi chua ngọt của dung dịch bả hấp dẫn sâu đến ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng và thuốc BVTV làm sâu ngộ độc chết.

Nguyên liệu bả chua ngọt cho 1 ha (20 sào) là 4 lít mật mía, 4 lít giấm, 1 lít rượu rắng và 1 lít nước sạch. Cho các loại nguyên liệu vào chậu khuấy kỹ, ủ kín trong can nhựa, lu trong 3-4 ngày, khi dung dịch có mùi thơm mang ra làm bả.

Pha bả độc theo tỷ lệ 10ml thuốc trừ sâu với 3 lít dung dịch chua ngọt. Dùng giẻ, bông thấm nước hoặc bả mía tẩm đẫm dung dịch bả độc hoặc rót dung dịch bả độc (30-50ml/lần) vào các đĩa, cốc, chai, lọ miệng rộng sao cho sâu trưởng thành bay vào, hút dịch và bay ra được.

Các chai nhựa nên khoét 2-4 lỗ tạo hành các cửa sổ để sâu trưởng thành có thể bay vào, sau đó đặt cốc, đĩa, chai, lọ ngoài ruộng bắp có vật che chắn tránh rơi vào làm loãng bả độc.

C.P

.