Bứt phá phát triển kinh tế, quyết liệt cải cách hành chính

02:02, 17/02/2021
.
ĐẶNG VĂN MINH 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh 
 
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2021, được dự báo có dấu hiệu khởi sắc, nhưng kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Điều này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm đổi mới, bứt phá trong phát triển kinh tế, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nhằm tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh thêm nhiều gam màu sáng, làm tiền đề tăng trưởng cho giai đoạn 2021 - 2025. 
[links()]
Nỗ lực tăng trưởng kinh tế
 
Năm 2020, một năm đầy khó khăn, thách thức với sự xuất hiện bất ngờ của dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ hoành hành, khiến tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đặc biệt đó, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân; huy động các nguồn lực hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do thiên tai bão, lũ gây ra. Đồng thời, tập trung tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công... Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 đạt được những kết quả nhất định.  
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (phải) kiểm tra thực tế hiện trường và chỉ đạo hoàn thiện cầu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi).
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (phải) kiểm tra thực tế hiện trường và chỉ đạo hoàn thiện cầu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi). Ảnh : Lê Đức
Tổng sản phẩm GRDP tăng trưởng dương (0,43%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng, nhất là giá trị công nghiệp ngoài dầu (đạt 55.567 tỷ đồng, tăng 52,68% so cùng kỳ); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 16.575 tỷ đồng, tăng 2,18% so với năm 2019, bằng 99,59% so với kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm thép Hoà Phát (ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 58,1% so với năm 2019, vượt 30% kế hoạch năm); từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản phẩm nông sản sạch, theo hướng hữu cơ và theo tiêu chuẩn VietGAP; dịch tả heo Châu Phi được kiểm soát tốt. Kết quả, 19/26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh chủ yếu đạt kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
 
Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách về an sinh xã hội luôn được các ngành, các cấp chú trọng ưu tiên triển khai kịp thời cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; thực hiện tốt công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khám chữa bệnh cho nhân dân. Cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được duy trì ổn định.
 
Tạo bức tranh kinh tế sáng màu
 
Năm 2021 hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, là thời cơ để Quảng Ngãi phát triển nhanh, tiến vững chắc. Để đạt được mục tiêu kỳ vọng, Quảng Ngãi sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giai đoạn 2021 - 2025: Huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bố trí vốn đầu tư công hợp lý; rà soát, bãi bỏ và thay thế các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, làm cản trở sự phát triển...  
Năm 2020, tình hình kinh tế khó khăn, nhưng xuất khẩu của Quảng Ngãi vẫn khá sôi động, đạt 1,3 tỷ USD.  ẢNH: D.S
Năm 2020, tình hình kinh tế khó khăn, nhưng xuất khẩu của Quảng Ngãi vẫn khá sôi động, đạt 1,3 tỷ USD. ẢNH: D.S
Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh, trong đó triển khai hoàn thành ngay quy hoạch điều chỉnh KKT Dung Quất. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tích cực phối hợp các bộ, ngành trung ương và nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư sớm thực hiện hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm; dự án Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng lên 9 triệu tấn/năm; các Nhà máy điện khí tại KKT Dung Quất; dự án Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất... Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động kết nối với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất công nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa. Đôn đốc các nhà máy đã và đang hoạt động tiếp tục phát huy công suất; chủ động theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nhất là các mặt hàng, nhóm hàng, ngành hàng đang có lợi thế về nguyên vật liệu, thị trường, chủ động các giải pháp khắc phục khó khăn trong trường hợp dịch Covid-19 tái bùng phát.
 
Triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, năng suất cao, giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu; xây dựng có hiệu quả các vùng chuyên canh tại 5 huyện miền núi. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2021 có thêm 6 xã, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động ở nông thôn; chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp và các ngành khác. Hiện đại tàu cá và nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản xa bờ, tập trung nuôi trồng các loại thủy sản có lợi thế, có tính cạnh tranh cao; khắc phục ngay cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
 
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, đặc biệt là phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ du lịch ở các khu, điểm du lịch Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Bình Châu... Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở những nơi có điều kiện. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch. Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa thế mạnh, chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mức 1,4 tỷ USD.
 
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, KKT, KCN, các công trình trọng điểm, tạo động lực. Tiếp tục huy động nguồn lực từ quỹ đất và nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi và kết cấu hạ tầng đô thị cấp huyện; trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng đô thị phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực.
 
Ưu tiên nguồn lực đầu tư kiên cố trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối, liên thông giữa các cấp, các ngành gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
 
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để tiếp cận nhanh, kịp thời, có hiệu quả các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam. Khẩn trương khơi thông các điểm nghẽn để khai thác nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư phát triển trong năm 2021. Chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước. Tổ chức điều hành, quản lý chặt chẽ nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ; chống thất thu, nợ đọng thuế. Phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu trung ương giao. Thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai tổ chức đồng bộ, có tính khả thi đối với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí.
 
Xây dựng, triển khai đồng bộ Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 với đầy đủ 5 nội dung, trong đó chú trọng về cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Trung tâm Phục vụ hành chính công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; quản lý, vận hành và sử dụng phần mềm Quản lý hồ sơ, phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Phấn đấu cải thiện thứ bậc xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Quảng Ngãi nằm trong nhóm trung bình khá của cả nước.
 
Thay đổi cung cách làm việc, tư duy năng động
 
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Năm tiến hành Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng; năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.  
Cầu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi).        Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cầu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Bùi Thanh Trung
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quảng Ngãi phải tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV; bầu đại biểu HĐND và thành viên UBND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở, nhất là sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sau đại hội và sau bầu cử các cấp; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, phải chú trọng công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với vị trí việc làm; có cơ chế thu hút và sử dụng người tài. Đồng thời, phải thay đổi ngay cung cách làm việc, đổi mới tư duy, phương pháp, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, muốn bứt phá, chúng ta phải có đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”, nhất là công chức quản lý.
 
UBND tỉnh xác định, năm 2021, phương thức chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh sẽ thay đổi mạnh mẽ nhằm đẩy lùi và xóa bỏ những trì trệ tồn tại lâu nay. Trong đó, từng đồng chí ủy viên UBND tỉnh phải gắn trách nhiệm của mình đối với ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của ngành nào thì ngành đó phải giải quyết kịp thời; không để những nội dung, thẩm quyền của sở, ngành mà đẩy lên cho lãnh đạo UBND tỉnh, để “giữ mình an toàn”. Các cơ quan hành chính Nhà nước phải đổi mới phương pháp làm việc, với phương châm nói ít làm nhiều, lấy kết quả làm thước đo để đánh giá năng lực của mỗi cơ quan, cá nhân. Không chấp nhận tình trạng thờ ơ, trì trệ trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức.
 
Với khát vọng đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung vào năm 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định quyết tâm chính trị cao nhất, đoàn kết trong tập thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cộng với sự chung sức đồng lòng của nhân dân, tin tưởng rằng kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ có sự phát triển nhanh, bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, quê hương núi Ấn - sông Trà ngày càng giàu đẹp./.
 
 
                                                                                                                                                                    
 
 

 


.