(Báo Quảng Ngãi)- Chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường, chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết... khiến câu chuyện sản xuất theo chuỗi đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.
[links()]
Nghịch lý khâu tiêu thụ
Ngay từ giữa năm 2014, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh và Dịch vụ rau an toàn Sông Trà là một trong những đơn vị nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền TP.Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT, cũng như một số tổ chức, để xây dựng chuỗi sản phẩm rau, quả an toàn, với diện tích sản xuất hơn 10ha. Có 44 hộ tham gia trồng rau an toàn được ngành chuyên môn tập huấn kiến thức và kỹ thuật sản xuất... Song, sau gần 6 năm thực hiện, những hộ này lần lượt “rời” HTX, vì chi phí sản xuất tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm.
Dù nhiều địa phương đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh, nhưng việc tiêu thụ trái cây vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. |
Trái với rau, quả của HTX Kinh doanh và Dịch vụ rau an toàn Sông Trà, các sản phẩm như gà kiến, gà đen, mắm cá niên của HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà (Sơn Hà) lại không đủ hàng để cung ứng ra thị trường. Ngoài “bệ phóng” là sản phẩm từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao, các sản phẩm trên còn được chính quyền địa phương làm tốt khâu tuyên truyền, quảng bá, nên người tiêu dùng biết và sử dụng.
Một số doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ, riêng Công ty CP Tư vấn Kinh tế và Phát triển nông thôn Việt Nam đang xúc tiến các thủ tục để xuất khẩu. “Điều này sẽ giúp các sản phẩm truyền thống khẳng định vị thế trên thị trường, ổn định khâu tiêu thụ, tăng giá trị cạnh tranh, người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Dù đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhưng hiện có ít DN lớn làm “đầu tàu” trong việc thu mua và chế biến sâu các mặt hàng nông sản chủ lực. Vì vậy, sản phẩm nông sản chưa đa dạng, chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế chia sẻ lợi nhuận - rủi ro còn khá chênh lệch, nên việc liên kết giữa cơ sở kinh doanh và người sản xuất chưa thật sự mặn mà. Đặc biệt, việc tích tụ ruộng đất vẫn còn nhiều trở lực như cơ chế, chính sách chưa được ban hành cụ thể; người dân lo ngại “mất đất”, nên không mạnh dạn cho thuê đất...
Theo chính quyền các địa phương, “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản, chính là các HTX nông nghiệp chưa phát huy vai trò “bà đỡ” của mình. Bởi tích tụ ruộng đất và nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP... là vấn đề cần sự vào cuộc của HTX. “Cần thiết phải tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các HTX. Từ đó, giúp họ hoạch định bài bản chiến lược sản xuất - kinh doanh, nhất là đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hồ Quý Nhân đề xuất.
Ở góc độ DN tiêu thụ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn kinh tế và Phát triển nông thôn Việt Nam Trần Ngọc Toàn cho rằng: Quảng Ngãi cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP liên kết trong quá trình sản xuất, để vừa đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng dòng trên thị trường, vừa đảm bảo nguồn hàng cung ứng liên tục. Bởi các mặt hàng ớt xiêm, mắm cá niên, gà đen Sơn Hà hiện đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhưng cơ sở sản xuất không đáp ứng được sản lượng. “Các sản phẩm nông sản nói chung, OCOP nói riêng cần phải tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, để tránh tình trạng “chết yểu”. Có như vậy, sản xuất mới bền vững, sản phẩm mới nâng cao giá trị gia tăng”, ông Toàn khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ HOA