Nhộn nhịp ở các chợ truyền thống

09:01, 24/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Còn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực đưa vào khai thác một số công trình chợ truyền thống vừa được xây mới, cải tạo, giúp tiểu thương ổn định kinh doanh, người dân có nơi mua sắm Tết.
[links()]
Sau nhiều tháng nỗ lực bố trí sắp xếp lô sạp, những tháng cuối năm 2020, chợ Chùa, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đã chính thức đi vào hoạt động. Tiểu thương và người tiêu dùng đến chợ mua sắm thuận lợi, dễ dàng. Chợ được xây dựng bằng tiền ngân sách (24 tỷ đồng), do huyện Nghĩa Hành làm chủ đầu tư, nên phí các loại dịch vụ, giá lô sạp thấp hơn một số chợ do tư nhân xây dựng, kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Lan, đang buôn bán ở chợ Chùa cho biết: "Kinh doanh bây giờ phải chịu sự cạnh tranh nhiều. Vì thế, giá lô sạp, phí dịch vụ thấp thì tiểu thương có điều kiện hạ giá các sản phẩm, thu hút khách hàng". 
Việc kinh doanh, mua bán ở chợ Chùa (Nghĩa Hành) đang diễn ra nhộn nhịp.
Việc kinh doanh, mua bán ở chợ Chùa (Nghĩa Hành) đang diễn ra nhộn nhịp.
Chợ Chùa có 284 lô, sạp, kiốt được xây dựng theo  4 dãy và 95 điểm kinh doanh ngoài trời; 2 nhà để xe và các công trình phụ trợ phục vụ cho công tác quản lý chợ. Hiện nay, các lô sạp, kiốt đã được lấp đầy. Khu vực bán hàng khô phục vụ Tết và quần áo may sẵn, giày dép, có những thời điểm khá đông khách hàng. Quầy hàng trái cây, thực phẩm tươi sống, nhất là đặc sản của huyện Nghĩa Hành có rất nhiều khách hàng từ nơi khác đến mua. Chợ Chùa còn là "đầu mối" của nhiều mặt hàng cung cấp đi các nơi khác trong tỉnh.
 
Trong khi đó, tại 3 chợ truyền thống hạng I của tỉnh là chợ Châu Ổ, chợ Quảng Ngãi và chợ Đức Phổ, hàng Tết đã được tập kết với số lượng lớn, nhất là bánh kẹo, quần áo may sẵn, giày dép. Đây chính là các chợ đầu mối cung ứng hàng đi các chợ miền núi, hải đảo, nông thôn. Các mặt hàng năm nay chủ yếu là sản phẩm trong nước, đa dạng, mẫu mã đẹp, giá bán không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tiểu thương các chợ miền núi như Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây hiện đã lên kế hoạch nhập hàng về bán Tết.
 
Tại huyện miền núi Trà Bồng, ngay tại trung tâm huyện có 2 chợ rất sôi động, một chợ họp vào buổi sáng, còn chợ huyện họp cả ngày, nhưng đông đúc hơn vào buổi chiều. Theo nhận định của một số tiểu thương, hiện nhu cầu mua sắm theo hình thức "đưa hàng về tận làng" như trước đã giảm dần, vì đường giao thông đi lại thuận tiện, người dân cũng đã mua sắm được xe máy để đi về chợ huyện tham quan, mua sắm. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tất cả các quầy sạp, kiốt trong chợ đã dự trữ khá nhiều hàng hóa, nhiều nhất là quần áo, giày dép trẻ em. "Chúng tôi phải nhập hàng từ sớm khi giá chưa tăng, chứ để cận Tết thì giá mặt hàng nào cũng nhích lên chút đỉnh, khi bán đến tay người dân cũng phải tăng hơn. Ngoài ra, tôi còn thỏa thuận với đầu mối giao hàng số lượng, để khi nhu cầu tăng cao, tôi có đủ hàng đáp ứng, giá ổn định", tiểu thương Nguyễn Thị Liễu, ở chợ Trà Bồng cho biết.
 
Một số chợ truyền thống tại các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh... hiện cũng đã hoàn tất các hạng mục sửa chữa, nâng cấp, để kịp đưa vào hoạt động. Tuy sức mua chưa tăng, nhưng lượng hàng hóa nhập về để phục vụ Tết đã khá nhiều. Theo kinh nghiệm của những tiểu thương kinh doanh trong các chợ, thì sau 15 tháng Chạp, sức mua mới tăng cao. 
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.