Tìm giống mì 'sạch' hỗ trợ cho nông dân trong niên vụ mới

09:01, 24/01/2021
.
(Baoquangngai.vn)-  Nguồn hom giống mì (sắn)‘sạch’ trong niên vụ 2020- 2021 đang khan hiếm trầm trọng do nhiều diện tích mì trên địa bàn tỉnh trong niên vụ trước bị nhiễm virus khảm lá. Để đảm bảo nhu cầu sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương rà soát lại nguồn giống mì chưa bị nhiễm bệnh để cấp bà con nông dân.
[links()]
 
Thời điểm này bà con nông dân đang bắt đầu xuống giống mì niên vụ 2020- 2021. Tuy nhiên, do hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh nhiều diện tích mì bị nhiễm virus khảm lá nên nguồn cung hom giống sạch bệnh rất khan hiếm, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
 
Theo bà con nông dân, những niên vụ trước, nguồn hom giống mì chủ yếu là lấy cây mì từ vụ trước để làm hom giống trồng tiếp vụ sau. ‘Mỗi cây mì khi thu hoạch có thể cắt thành 7-10 hom giống. Bình quân cứ 1ha mì thu hoạch sẽ trồng được 10ha mới. Nhưng giờ thì đành chịu vì hầu hết nguồn cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá từ niên vụ trước không thể làm giống được”- ông Nguyễn Thành Đô ở xã Sơn Hạ (Sơn Hà) cho hay.  
 
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao (Sơn Hà) Trần Văn Chung cho biết: Hiện nay, khoảng hơn 150ha diện tích trồng mì trên địa bàn xã chưa thể xuống giống thiếu hụt nguồn hom giống. Chính quyền địa phương cũng đã có văn bản đề xuất cấp trên xem xét hỗ trợ nguồn giống ‘sạch’ để cho bà con nông dân xuống giống kịp thời vụ. Đồng thời, địa phương cũng tuyên truyền và khuyến cáo bà con tuyệt đối không dùng cây mì nhiễm bệnh để trồng trong vụ mới. 
 
Nhiều diện tích sắn trên địa bàn tỉnh trong niên vụ 2019- 2020 bị nhiễm virus khảm lá gây giảm năng suất, ảnh hưởng đến kinh tế của bà con nông dân
Nhiều diện tích mì trên địa bàn tỉnh trong niên vụ 2019- 2020 bị nhiễm virus khảm lá gây giảm năng suất, ảnh hưởng đến kinh tế của bà con nông dân
 
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 4.768ha mì bị nhiễm virus khảm lá. Chỉ tính riêng huyện Sơn Hà, đã có 3.435ha mì bị nhiễm bệnh. 
 
Niên vụ 2020-2021, Quảng Ngãi có kế hoạch sản xuất trên 14.530ha mì. Trước nhu cầu hom giống mì 'sạch' trong niên vụ mới, tại cuộc họp triển khai các giải pháp trong sản xuất, phòng, chống bệnh virus khảm lá mì trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc khẩn trương tổ chức rà soát lại nguồn giống mì chưa bị nhiễm bệnh tại địa phương để tổ chức làm giống cho niên vụ đến.
 
Đồng thời, đề nghị, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi bố trí thêm nguồn kinh phí mua giống mì từ những vùng chưa bị nhiễm bệnh tại các tỉnh khác để cấp phát, hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu, đặc biệt ưu tiên vùng mì trên địa bàn huyện Sơn Hà, nơi có diện tích bị nhiễm bệnh virus khảm lá mì lớn.
 
Giao Sở NN& PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống mì cho nông dân tại huyện Sơn Hà tổ chức sản xuất.
 
Nguồn hom giống sắn sạch thiếu đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là ở địa bàn miền núi
Nguồn hom giống  sạch thiếu đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là ở địa bàn miền núi
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng giao Sở NN& PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan khảo sát chọn vùng sản xuất, lập kế hoạch cụ thể về việc hỗ trợ kinh phí mua giống mì sạch bệnh cấp phát cho nông dân tổ chức sản xuất theo phương thức cách ly để tạo nguồn giống cho niên vụ 2021- 2022 trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt làm cơ sở để thực hiện.
 
Tại những vùng mì bị nhiễm virus khảm lá nặng trong niên vụ 2019- 2020, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng giống mì đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới. Cùng với đó, khẩn trương vận động nông dân trồng mì chuyển sang cây trồng khác để cắt bệnh.
 
Ngay cả đối với các địa phương chưa xuất hiện bệnh khảm lá mì trầm trọng cũng phải nghiên cứu vận động nông dân chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có tiềm năng kinh tế cao hơn để tăng thêm thu nhập, giảm áp lực về nhu cầu giống mì sạch bệnh.
 
Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu Sở KH& CN, Sở NN& PTNT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quản lý các hoạt động nghiên cứu về giống mì, công tác phòng trừ bệnh khảm lá mì trên địa bàn tỉnh để chuyển giao vào sản xuất đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn. 
 
PV- CTV
 

.