(Báo Quảng Ngãi)- Hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí quan trọng bắt buộc trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, kết quả 89 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM là có sự đóng góp tích cực của các hợp tác xã (HTX) qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
[links()]
Hợp tác xã "kiểu cũ" kém hiệu quả
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 loại hình HTX, đó là HTX quy mô cấp thôn, xã và HTX chuyên ngành. Hợp tác xã quy mô thôn, xã (HTX kiểu cũ) đã làm khá tốt vai trò của mình, để cùng khu vực kinh tế tập thể trở thành trụ cột cho nền kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển rầm rộ, phần lớn loại hình HTX này hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân là do số lượng thành viên lớn, nhưng không góp vốn điều lệ, dẫn đến hoạt động của HTX trông vào tiền cấp bù thủy lợi phí và các dịch vụ truyền thống như dẫn nước, làm đất, cung ứng vật tư... Còn ban lãnh đạo HTX thì chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh, để tổ chức cho các thành viên thực hiện.
Hành tím Bình Hải do HTX Nông nghiệp Bình Hải (Bình Sơn) tổ chức sản xuất là 1 trong 23 sản phẩm tiềm năng, được chọn để phân hạng và gắn sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. |
Trong số 135/202 HTX hoạt động kém hiệu quả hiện nay, thì phần lớn được thành lập trước khi có Luật HTX năm 2012, với số lượng thành viên lên đến hàng nghìn người. Nhưng sau khi chuyển đổi theo Luật HTX, cùng với yêu cầu góp vốn điều lệ... số lượng thành viên giảm mạnh. Ngoài ra, Ban lãnh đạo HTX thiếu chủ động, ngại đổi mới; trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, nên sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhiều HTX có doanh thu bình quân khá thấp, 600 - 700 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập của lao động 5 - 7 triệu đồng/người/ năm.
Bên cạnh đó, 76/202 HTX hoạt động khá tốt, doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/HTX/năm. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp rau sạch Sơn Hà (Sơn Hà), HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Phú (Bình Sơn), HTX Nông nghiệp Bình Hải (Bình Sơn), HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt (Tư Nghĩa)...
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đánh giá: “Hợp tác xã đã thể hiện được vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX có sản phẩm được phân hạng và gắn sao sản phẩm trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) cấp tỉnh. Qua đó, đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân phù hợp với thực tế yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương”.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Bình Hải, cùng với việc cung ứng các dịch vụ truyền thống, HTX đã xác định hành tím là đối tượng chủ lực, nên đã tập trung đầu tư phát triển. Đến nay, đã có 136 hộ dân tham gia trồng hành tím, với diện tích 180ha, sản lượng đạt trên 1.800 tấn/năm. "Hành tím Bình Hải đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được chọn để phân hạng gắn sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nên được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Vì vậy, đầu ra và giá bán hành tím luôn ổn định ở mức cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Hải Đỗ Biên Nhất thông tin.
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, HTX nông nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với NTM, nên cần được củng cố và phát triển. Bởi giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 119 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có ít nhất 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 12 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu) và 6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM (trong đó có ít nhất 1 huyện được công nhận là huyện NTM nâng cao, hoặc kiểu mẫu). Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long cho biết: Khi thẩm định NTM, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá kỹ tình hình hoạt động của các HTX, ngoài đầu tư sản xuất thì xem HTX có liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên hay không, tránh tình trạng các HTX chuyển đổi kiểu “bình mới, rượu cũ”.
Bài, ảnh: THANH PHONG