Báo động tình trạng thoái hóa đất

09:01, 04/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần 9% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang bị thoái hóa. Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng và người dân phải chung tay tìm giải pháp khắc phục, hạn chế thoái hóa đất, sử dụng đất theo hướng bền vững.
[links()]
Hàng chục nghìn hécta đất bị thoái hóa
 
Mới đây, Sở NN&PTNT đã rà soát, đánh giá tình hình sa mạc hóa và suy thoái đất trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang bị thoái hóa xấp xỉ 39.000ha (diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 455.561ha); trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa ở mức nặng là 330ha, mức trung bình là 17.791ha, còn lại là ở mức nhẹ. Đáng chú ý, tình trạng thoái hóa đất trên địa bàn tỉnh diễn ra theo cả 5 chiều hướng: Đất bị xói mòn do mưa ở mức nặng, đất bị khô hạn ở mức nặng, đất bị suy giảm độ phì nhiêu, đất bị kết von, đá ong hóa và đất bị mặn hóa. Tình trạng đất bị mặn hóa chủ yếu xảy ra tại huyện Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi. 
Khắc phục và hạn chế được tình trạng thoái hóa đất, thì mới đảm bảo được sinh kế bền vững cho người nông dân.
Khắc phục và hạn chế được tình trạng thoái hóa đất, thì mới đảm bảo được sinh kế bền vững cho người nông dân.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa đất nói trên là do điều kiện tự nhiên liên quan đến địa hình, khí hậu và quá trình sử dụng đất không hợp lý của con người. Đáng báo động là, tình trạng thoái hóa đất trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, việc khắc phục được 9% diện tích đất nông nghiệp đang bị suy thoái và ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. 
 
Theo đó, để hạn chế khô hạn, hoang mạc hóa, phải thực hiện tốt chương trình trồng và phục hồi rừng tự nhiên và quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng giữ nước, cũng như áp dụng các giống cây chịu hạn, hạn chế sử dụng nước tưới. Còn giải pháp để cải tạo đất đã bị suy giảm độ phì nhiêu, là phải hạn chế canh tác đất nương rẫy, trồng cây hằng năm trên đất dốc và phải khuyến khích được người dân tăng cường trồng cây họ đậu trên đất thoái hóa.
 
Mặt khác, để hạn chế đất kết von, đá ong hóa, phải  trồng cây che phủ khu vực đất có nguy cơ để chống xói mòn, rửa trôi đất và phải phát triển nông - lâm kết hợp, đa dạng hóa cây trồng để có thể che phủ, giữ ẩm quanh năm cho đất. Còn đối với các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, để hạn chế mặn hóa, phải hoàn thiện các hệ thống đê điều ven biển, hệ thống công trình thủy lợi, để duy trì nước ngọt thường xuyên, hạn chế tối đa tình trạng khô hạn làm cho lớp đất mặt khô kiệt...
 
Sử dụng đất theo hướng bền vững
 
Trên thực tế, để hạn chế tình trạng thoái hóa đất, tỉnh đã triển khai một số dự án như: Dự án trồng rừng ven biển “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ; trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng theo Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh; dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ - JICA2...
 
Tuy nhiên, các giải pháp khắc phục chủ yếu dừng lại ở giải pháp phi công trình, còn các giải pháp công trình liên quan đến hệ thống công trình thủy lợi, hoàn thiện các hệ thống đê điều ven biển... do kinh phí đầu tư lớn, nên vẫn chưa thể triển khai hoàn thiện, đồng bộ.
 
Trước thực trạng trên, đã đến lúc các ngành chức năng, chính quyền địa phương và chính người dân phải thực hiện đảm bảo sinh kế trong điều kiện tài nguyên nước ngày càng hạn chế và nguy cơ thoái hóa đất ngày càng tăng; phải có cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất theo hướng bền vững, áp dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ trong bảo vệ, phục hồi đất. Quan trọng nhất là, phải huy động được sự tham gia của người dân trong thay đổi tư duy sản xuất, phải cho đất “nghỉ” và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng chịu hạn; vừa canh tác vừa chú ý đến việc cải tạo, bảo vệ và tăng độ phì nhiêu cho đất...
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.