Kỳ vọng mùa mua sắm cuối năm

10:01, 02/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những tháng cuối năm, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, cộng thêm bão lũ dồn dập, khiến hoạt động thương mại - dịch vụ bị ảnh hưởng đáng kể. Vì thế, từ nay đến tết Nguyên đán 2021, các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại tổ chức nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, nhằm tăng doanh thu, bù đắp những sụt giảm trong quãng thời gian dài trước đó.
[links()]
Thương mại sụt giảm
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 53.630 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch năm, giảm 3% so với năm 2019. Nguyên nhân giảm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân thực hiện giãn cách xã hội, nên giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Trừ các dịch vụ thiết yếu, hầu hết các dịch vụ khác đều giảm rất mạnh, có dịch vụ mức tiêu dùng dưới 10%. Các sản phẩm không phải là hàng thiết yếu gần như sức mua không đáng kể, nhiều cửa hàng thời trang, giày da đã phải đóng cửa, vì doanh thu không đủ chi phí. 
Siêu thị Go! Quảng Ngãi áp dụng chương trình giảm giá trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.
Siêu thị Go! Quảng Ngãi áp dụng chương trình giảm giá trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.
Khác với các năm trước, năm 2020, tình hình giá cả có biến động tăng, giảm nhẹ đối với các mặt hàng thiết yếu. Ở từng thời điểm nhất định, như sau bão, mặt hàng rau xanh tăng do nguồn cung thiếu hụt, còn các mặt hàng khác khá phong phú, đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hơn nữa, do hệ thống các chuỗi bán lẻ như Co.op Mart, VinMart, các chợ truyền thống hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào.
 
Đáng chú ý, tình trạng biến động thị trường vào tháng 3.2020 đối với mặt hàng khẩu trang do dịch Covid-19 bùng phát và tháng 11 vừa qua, sau bão số 9 gây thiệt hại lớn, mặt hàng ngói, tole, tấm lợp xảy ra đứt hàng cục bộ. Tuy nhiên, ngay sau đó, bằng các giải pháp bình ổn thị trường hợp lý của UBND tỉnh và ngành chức năng, tình trạng khan hiếm đã được giải quyết, thị trường trở lại bình thường.
“Từ nay đến cuối năm, Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp, siêu thị tổ chức phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn... để phục vụ người dân, với giá bán giảm từ 5 - 10% so với giá thị trường. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, bảo vệ người tiêu dùng".
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương NGUYỄN ĐỨC HUY
Thay đổi cơ cấu hàng hóa dự trữ dịp Tết
 
Trên cơ sở phân tích tình hình thị trường, các siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng, đại lý hàng tiêu dùng trong tỉnh đã xác định phải thay đổi cơ cấu hàng hóa dự trữ phục vụ dịp cuối năm. Theo đó, hạn chế nhập các mặt hàng cao cấp có giá thành cao như rượu, bánh kẹo cao cấp ngoại nhập; đồng thời, tăng tỷ lệ các sản phẩm bình dân được sản xuất trong nước, nhất là nông sản là đặc sản các vùng miền.
 
Đại diện Siêu thị Go! Quảng Ngãi cho biết: Tết này, ngoài những sản phẩm thiết yếu thông thường, siêu thị có mặt hàng rau, củ, quả, trái cây được chính siêu thị liên kết với nông dân triển khai ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và ngay tại Quảng Ngãi. Hiện các sản phẩm đầu tiên của huyện Kpang (Gia Lai) đã được đưa về siêu thị Go! Quảng Ngãi, được người tiêu dùng ủng hộ. Từ nay đến cuối năm, siêu thị sẽ có thêm các loại gà thả vườn, heo chăn nuôi theo phương thức hữu cơ sẽ được đưa về phục vụ người tiêu dùng. 
 
Từ nay đến cuối năm, các siêu thị đều cam kết giữ giá bán bình ổn giá, để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, giúp nhà nhà đều có Tết. Ngoài ra, các kênh phân phối này còn triển khai các chương trình kích cầu như: Giảm giá sản phẩm, quà tặng kèm theo khi mua sản phẩm, nhân điểm tích lũy cho các thành viên, bán hàng đồng giá... Gần như khi mua bất kỳ sản phẩm nào tại siêu thị, trung tâm thương mại đều được áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 

.