Sơn Tây: Hướng đến vùng chuyên canh hàng hóa

09:01, 04/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều nỗ lực sản xuất, tiếp cận thị trường, huyện Sơn Tây đã xây dựng thành công nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 4 sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, gồm: Măng nứa, ổi, gạo rẫy và ớt xiêm. Riêng sản phẩm ổi Soli của xã Sơn Liên đã có giấy chứng nhận VietGAP.
[links()]
Liên kết tạo sản phẩm chất lượng
 
Những năm gần đây, huyện Sơn Tây đã triển khai mô hình trồng bưởi da xanh tại một số xã, đem lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, để lấy ngắn nuôi dài, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã liên kết với người dân thực hiện mô hình trồng ổi 6ha và trồng ổi xen bưởi 1ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đinh Văn Thiếu, ở xã Sơn Liên chia sẻ: “Tôi thấy mô hình trồng ổi thì rất thích, nhưng không biết trồng thế nào và sợ bán không được. Giờ có HTX hướng dẫn trồng và lo đầu ra, nên mình rất an tâm”. 
Cây ổi đã
Cây ổi đã "bén duyên" với mảnh đất vùng cao Sơn Tây.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết: Trung bình 1ha ổi, nông dân sẽ thu được 100 triệu đồng/năm. So với cây keo, mì, cây ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Ngoài ra, cây ổi cho thu nhập quanh năm, giúp người dân có nguồn thu thường xuyên để trang trải cuộc sống…
 
Thời gian gần đây, ổi Soli mới chỉ được HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên quảng bá và bán qua mạng, nhưng cũng không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Dự kiến, qua tết Nguyên đán sẽ có thêm 3ha ổi nữa cho quả. Sắp tới, HTX tiếp tục liên kết với các hộ dân mở rộng thêm diện tích trồng ổi, sẽ có đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị.
 
Cùng với sản phẩm ổi Soli, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên còn liên kết với các hộ dân để sản xuất và chế biến nhiều sản vật khác của địa phương như gạo rẫy, măng nứa, ớt xiêm... Hiện các sản phẩm này đều đã có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đầu ra được đánh giá là khá ổn định. Tuy nhiên, để chủ động trong việc sản xuất, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, sắp tới, từ các nguồn hỗ trợ khác nhau cùng vốn đối ứng, HTX sẽ đầu tư hệ thống máy sấy thực phẩm. Riêng sản phẩm măng nứa sẽ được chế biến thành 7 sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Hướng đến sản phẩm hàng hóa
 
Từ những cây bưởi được trồng mang tính tự phát, manh mún của người dân, đến nay, từ các nguồn hỗ trợ khác nhau, huyện Sơn Tây đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung rộng hàng trăm hécta ở các xã: Sơn Liên, Sơn Bua và Sơn Long. Qua đánh giá của ngành chức năng, các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, ổi... rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Sơn Tây. Cây đã cho quả với đầu ra và giá cả ổn định. Theo kế hoạch, huyện Sơn Tây sẽ trồng thêm 10ha bưởi ở 2 xã Sơn Dung và Sơn Mùa.
 
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết: Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương ra thị trường đã có những thành công bước đầu, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Với sự ra đời của các HTX nông nghiệp, sẽ hỗ trợ người dân trong liên kết, đưa các sản vật của địa phương ra thị trường, hướng đến xây dựng thương hiệu các sản phẩm theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
 
Những loại cây trồng mới “bén duyên” trên vùng đất khó đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã thổi một luồng gió mới trong tư duy canh tác của đồng bào Ca Dong. Từ chỗ trồng cây “được ăn, mất chịu” thì nay, nông dân nơi đây đã biết tỉa cành, bón phân, chăm sóc cho cây. Đặc biệt, nhiều người đã "lên mạng" để tìm hiểu thêm các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. "Với tư duy làm nông nghiệp mới, cùng sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương, các HTX nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Sơn Tây sẽ có chỗ đứng bền vững trên thị trường, góp phần nâng chất lượng đời sống của người dân vùng cao", ông Khuyến kỳ vọng.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.