Sớm phục hồi sản xuất nông, lâm nghiệp

10:11, 03/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Hàng nghìn hécta rau màu, rừng trồng các loại bị ngập úng, ngã đổ không thể phục hồi. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là, cùng với việc sớm ổn định đời sống người dân, chính quyền và các ngành chức năng cần có giải pháp phục hồi sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
[links()]
Vùng chuyên canh rau tan hoang sau bão
 
Ghi nhận tại vùng chuyên canh rau ở xã Nghĩa Dũng, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) hiện nay, hầu hết các diện tích rau đều bị ngập úng, hư hoàn toàn. Đang tháo nước ra khỏi ruộng rau, ông Nguyễn Kiên, ở xã Nghĩa Dũng, nhìn thấy chúng tôi vội nói: “Nước trắng xóa như này, có còn rau đâu mà chụp ảnh. Bão lũ liên tục gây khó khăn đủ điều. Tôi mong Nhà nước có phương án hỗ trợ phân bón, các giống rau ngắn ngày có khả năng chống chịu sâu bệnh, để bà con trồng trong vụ đông xuân sắp tới”. 
 
Vùng chuyên canh rau ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) hư hoàn toàn sau bão số 9.
Vùng chuyên canh rau ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) hư hoàn toàn sau bão số 9.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng Nguyễn Hiệu cho hay: "Qua kiểm tra ban đầu, toàn xã có khoảng 40ha rau màu bị hư hoàn toàn do bão số 9, ước tính thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. Trồng rau là nghề mang lại thu nhập chính của người dân xã Nghĩa Dũng. Do đó, để khôi phục lại vựa rau sau bão, xã khuyến cáo người dân chỉ gieo trồng ở những chân đất cao, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trước những diễn biến thất thường của thời tiết”.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết: Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung thống kê toàn bộ thiệt hại, đề xuất các nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi, thuốc tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, từ đó đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão.
 
“Sở yêu cầu các phòng nông nghiệp tập trung khắc phục các công trình phục vụ tưới tiêu bị sạt lở, chống ngập úng. Đối với diện tích rau màu bị hư sau bão, nông dân cần chủ động khơi thông dòng chảy, nạo vét mương, rãnh thoát nước, gieo trồng lại khi đảm bảo điều kiện. Đồng thời, chú ý việc vệ sinh, khử khuẩn khu vực chăn nuôi để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”, ông Tô cho biết thêm.
 
Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có hơn 1.300ha lúa, rau màu, cây trồng hằng năm, 7.800 chậu hoa cảnh và hơn 300ha cây ăn quả bị hư hại, ngã đổ; 72 công trình đập dâng bị hư hỏng; hơn 5.000m kênh mương bị sạt, trôi; hơn 62.000 con gia súc, gia cầm bị chết sau cơn bão số 9.
Tả tơi “lá chắn xanh”
 
Rừng phòng hộ ven biển từ bao đời nay được xem là “lá chắn xanh” bảo vệ cuộc sống, sản xuất cho người dân ở các xã bãi ngang ven biển. Thế nhưng, do bão số 9 kèm lốc xoáy đã làm 900ha rừng phòng hộ ven biển bị bật gốc, gãy đổ. Bà Trần Thị Hoa, xã Phổ An (TX.Đức Phổ) bộc bạch: “Mất rừng dương cũng như mất một phần máu thịt với người dân ven biển. Rừng dương có tác dụng rất lớn, giúp chắn sóng, chắn gió, bảo vệ hoa màu, nhà cửa, nhưng bão số 9 làm cho hàng nghìn gốc cây dương liễu bị ngã đổ khiến tôi và người dân ở đây vô cùng lo lắng”.
 
Chủ tịch UBND xã Phổ An (TX.Đức Phổ) Nguyễn Tấn Mỹ cho biết: "Toàn xã Phổ An có hơn 270ha rừng phòng hộ ven biển, nhưng bão số 9 gây ngã đổ, thiệt hại khoảng 40%. Địa phương đã báo cáo lên cơ quan chức năng, trước mắt, xã phối hợp với ngành kiểm lâm bảo vệ hiện trạng, không cho người dân khai thác tràn lan, đồng thời sẽ tổ chức cắt tỉa lại các cây dương liễu bị gãy nhánh để cây sớm phục hồi”.
 
Người trồng rừng “điêu đứng” 
 
Đưa chúng tôi vào rừng keo hơn 4 năm tuổi đã bị cơn bão quật ngã tơi tả, ông Huỳnh Văn Phúc, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) không giấu được tiếc nuối khi rừng keo sắp đến kỳ thu hoạch bỗng chốc tan hoang. Ông Phúc chia sẻ: “Tôi vay tiền ngân hàng để trồng hơn 2ha keo. Hy vọng sau khi thu hoạch sẽ có tiền trả nợ ngân hàng và trang trải cuộc sống. Bây giờ, gió bão tàn phá làm rừng keo gãy đổ xơ xác, chưa thể bán được do không có đường vận chuyển. Tôi rất lo lắng vì nếu để lâu ngày cây sẽ khô không thể bóc được vỏ thì nhà máy không thu mua nữa”. 
 
Sau bão số 9, người trồng  keo lo lắng khi cây ngã đổ nhưng chưa có thương lái thu mua.
Sau bão số 9, người trồng keo lo lắng khi cây ngã đổ nhưng chưa có thương lái thu mua.
 
Với ông Võ Văn Ngọt, ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành), hơn 1ha keo nằm trên vị trí đất vườn, khá thuận lợi cho việc khai thác, tuy nhiên, ông Ngọt trong lòng nặng trĩu những nỗi lo toan. Ông Ngọt rầu rĩ nói: “Lúc bắt đầu vào mùa mưa, giá keo đã giảm xuống còn 950 nghìn đồng/tấn, chưa trừ chi phí vận chuyển, công lột vỏ.
 
Sau bão, nhiều thương lái đến nhà hỏi thu mua, họ chỉ dự đoán giá thu mua chưa trừ chi phí dao động khoảng 700 - 850 nghìn đồng/tấn, nhưng không cho biết giá chính xác vì lý do nhà máy chưa hoạt động. Nhưng tình hình khó khăn chung, nên tôi nhận tiền cọc để thương lái nhanh chóng thu mua toàn bộ số gỗ keo gãy đổ cho gia đình”.
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại thông tin: "Toàn tỉnh có khoảng 200.000ha rừng trồng các loại bị ảnh hưởng bởi bão số 9, chiếm khoảng 60% tổng diện tích, phần lớn diện tích gãy đổ chủ yếu ở cây trồng 2 năm tuổi trở lên. Cơn bão đi qua đã để lại hậu quả nặng nề đối với diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Sau bão, tỷ lệ che phủ rừng suy giảm nghiêm trọng”. 
 
Bão số 9 càn quét, đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ngãi khiến người dân sản xuất nông, lâm nghiệp rơi vào khó khăn. Hơn bao giờ hết, người dân rất mong các ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau bão.
 
 Bài, ảnh: MỸ DUYÊN
 
 
 

.