Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Chưa phát huy thế mạnh về thủy sản

10:11, 12/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào từ thế mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, song các địa phương ven biển của tỉnh vẫn chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ thủy sản tham gia vào chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
[links()]
Sản phẩm còn ít so với tiềm năng
 
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 75 sản phẩm thực phẩm truyền thống có thế mạnh, trong đó, thực phẩm chế biến từ thủy sản chiếm ưu thế. Dù vậy, các sản phẩm đủ điều kiện công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong lĩnh vực này mới chỉ dừng lại ở dòng sản phẩm nước mắm truyền thống, đó là sản phẩm mang thương hiệu Đức Hải, Phát Hải và Phương Loan của xã Đức Lợi (Mộ Đức). 
 
Sản phẩm cá khô truyền thống tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) được thị trường ưa chuộng, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ thể nào tham gia xây dựng sản phẩm cá khô thành sản phẩm OCOP.
Sản phẩm cá khô truyền thống tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) được thị trường ưa chuộng, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ thể nào tham gia xây dựng sản phẩm cá khô thành sản phẩm OCOP.
Các địa phương ven biển như Lý Sơn, Bình Sơn, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi dù có nhiều sản phẩm truyền thống về thủy sản rất được thị trường ưa chuộng, nhưng đến nay, vẫn chưa được nâng tầm, phát triển thành sản phẩm OCOP. Chẳng hạn như, dù có làng nghề chế biến thủy sản truyền thống Thạch Bi, ở phường Phổ Thạnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến lớn và có sản phẩm chế biến đa dạng như tôm, mực nang, mực ống, bạch tuộc khô, nhưng TX.Đức Phổ vẫn chưa phát triển được sản phẩm OCOP gắn với làng nghề chế biến thủy sản này. 
 
Tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), dù người dân địa phương đã phát triển được sản phẩm cá khô truyền thống, với tổng sản lượng sản xuất mỗi ngày (từ tháng 1 - 6 hằng năm) có thể dao động từ 25 - 60 tấn cá, gồm cá cơm, cá nục, cá đét... Đồng thời, đáp ứng được phần lớn tiêu chí về sản phẩm OCOP như: Sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết được việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên đến nay, Tịnh Kỳ vẫn chưa “bắt tay” vào xây dựng sản phẩm cá khô đặc trưng của địa phương thành sản phẩm OCOP. Còn tại xã Bình Châu (Bình Sơn) và huyện đảo Lý Sơn, dù có hàng chục cơ sở chế biến chả cá đỏ củ, với sản lượng chế biến bình quân tại mỗi cơ sở lên đến 2 - 3 tạ/ngày, song đến nay, việc phát triển chả cá đỏ củ thành sản phẩm OCOP vẫn chưa được cơ sở sản xuất nào quan tâm.
 
Cần được “đánh thức”
 
Là địa phương nằm ở tốp đầu của cả nước về sản lượng khai thác thủy sản, với sản lượng bình quân hằng năm vào khoảng 180.000 tấn. Không những thế, nhiều sản phẩm chế biến từ thủy sản của các địa phương ven biển đã trở thành thương hiệu có tiếng được thị trường trong và ngoài tỉnh săn đón từ nhiều năm nay. Vì vậy, khai thác thế mạnh vốn có để phát triển các sản phẩm chế biến từ thủy sản thành sản phẩm OCOP là điều mà các địa phương ven biển cần quan tâm. Bởi, những sản phẩm đặc trưng của các địa phương ven biển khi trở thành sản phẩm OCOP sẽ tạo sức bật mới, mở lối cho sản phẩm vươn ra thị trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhất là khi các sản phẩm OCOP có chứng nhận từ 3 sao trở lên sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc, từ đó, nâng tầm thương hiệu, giá trị cho sản phẩm địa phương.
 
“Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao của Quảng Ninh là ruốc hàu Vân Đồn lại có giá lên đến 3,2 triệu đồng/kg, sản phẩm OCOP mực ống khô Cô Tô cũng có giá bình quân cao hơn hẳn so với giá mực khô tại một số địa phương ven biển của các tỉnh. Việc phát triển sản phẩm OCOP giúp sản phẩm được nâng tầm giá trị khi sản phẩm bày bán ra thị trường có chất lượng, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng... Trong khi đó, tại tỉnh ta, dù có nhiều sản phẩm truyền thống trong lĩnh vực chế biến thủy sản được thị trường ưa chuộng, song hầu hết các sản phẩm này chưa được nâng tầm giá trị. Nguyên nhân là do người dân, doanh nghiệp chưa tích cực tham gia Chương trình OCOP, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ngô Văn Hưng nhận định.
 
Do đó, để phát triển được các dòng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực thủy sản, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của Chương trình OCOP. Đồng thời, phải trợ lực và đồng hành, định hướng cho người dân cách thức, thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP, nhất là các địa phương đã có sẵn các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.