(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Sơn Hà đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững. Thành quả lớn nhất là đầu năm 2018, Sơn Hà là một trong 8 huyện của 6 tỉnh được ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tạo điều kiện để nông dân phát triển kinh tế
Thời gian qua, huyện Sơn Hà đã đề ra nhiều giải pháp giảm nghèo cho người dân, trong đó tập trung phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng giá trị nông sản và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập của người dân. Việc thực hiện các mô hình chuỗi liên kết của nhóm hộ, hợp tác xã giúp nông dân chủ động hơn trong khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân huyện Sơn Hà được bày bán tại các Siêu thị Big C trong cả nước. |
Gia đình anh Đinh Văn Vệ, ở xã Sơn Trung (Sơn Hà) là một trong số hàng chục gia đình tham gia nhóm hộ chăn nuôi dê thương phẩm. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Vệ được cấp 7 con dê giống. Khi tham gia mô hình nhóm hộ sản xuất theo chuỗi liên kết, anh Vệ cùng nhiều hộ dân khác không còn phải lo về giá và đầu ra cho sản phẩm. “Khi tham gia vào nhóm hộ nuôi dê, tôi được hỗ trợ con giống, hướng dẫn cách chăm sóc và được công ty bao tiêu sản phẩm. Vì thế, tôi rất yên tâm, không lo lắng về đầu ra nữa. Hiện đàn dê đang phát triển tốt, một số dê đã sinh sản”, anh Vệ cho hay.
Những năm gần đây, ở huyện Sơn Hà đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn xây dựng các mô hình trang trại, hình thành các nhóm hộ, liên kết phát triển theo hướng nông nghiệp sạch và 15 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đã tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản địa phương, với các mô hình hiệu quả như gà kiến, bò, dê thương phẩm, các sản phẩm từ rừng...
Tiếp tục triển khai nhiều dự án
Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà Phạm Thanh Sơn, người dân tham gia vào chuỗi liên kết sẽ biết được sản lượng cam kết, sản xuất theo đúng kế hoạch và thị trường đã được xác định. Thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Năm 2020, huyện sẽ tiếp tục thực hiện 13 dự án mới nằm trong chuỗi giá trị thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 gồm: Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm heo ky, nấm ăn và nấm dược liệu, cá nước ngọt, gà kiến, cây ăn quả và 12 dự án nâng cấp chuỗi giá trị đã thực hiện gồm: Củng cố nâng cấp dự án liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bò lấy thịt, gà kiến, đậu phụng và đậu các loại, dê bản địa thương phẩm tại các địa phương trên địa bàn huyện, với tổng nguồn vốn thực hiện trên 8,1 tỷ đồng. Qua đó, tạo cơ hội để nông dân, xã viên, HTX và doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của nông dân huyện Sơn Hà được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, đưa vào hệ thống Siêu thị Big C trong cả nước. Ngoài ra, các xã cũng triển khai tích cực Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Phó Chủ tịch UBND huyện Phùng Tô Long chia sẻ: Việc tham gia OCOP không chỉ để tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, người dân làm ra sản phẩm đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững thương hiệu; đảm bảo thu nhập ổn định và ngày càng gia tăng giá trị.
Mỗi năm giảm 4,54% hộ nghèo, cận nghèo
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, năm 2017, huyện Sơn Hà còn hơn 6.400 hộ nghèo, chiếm 30,15% số hộ toàn huyện (thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện miền núi hiện nay là 36,39%), thì đến cuối năm 2019, giảm xuống còn 21,29%. Bình quân mỗi năm giảm 4,54%. Đây là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực lớn trong công tác giảm nghèo bền vững, với chủ trương phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế theo chuỗi giá trị ở huyện Sơn Hà trong thời gian qua.
|
Bài, ảnh: VŨ YẾN