Nông dân làm giàu nhờ Internet

11:07, 25/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với sự năng động, nhạy bén, bắt nhịp với xu thế phát triển của thời đại, những nông dân thời hội nhập đã tìm hướng đi cho riêng mình, vươn lên phát triển kinh tế nhờ học hỏi kinh nghiệm qua Internet.
Bồi đắp kiến thức qua mạng
 
Sau hai lần thất bại với mô hình nuôi trùn quế, bà Nguyễn Thi Phường, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) vẫn không bỏ cuộc. Nghĩ mình còn non kiến thức, bà Phường mày mò tìm hiểu thông tin từ Internet, sau đó tích lũy thêm kinh nghiệm hay để áp dụng vào mô hình nuôi trồng. Bà mạnh dạn thay đổi nuôi trùn quế trong nhà kín, sang nuôi dưới tán rừng keo. Ưu điểm của tán rừng keo là mát mẻ, phù hợp với việc nuôi trùn quế.Hiện nay, bà Phường cung cấp nguồn giống, phân trùn quế cho nhiều nông dân trong tỉnh.  
Bà Nguyễn Thi Phường, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) dùng trùn quế làm thức ăn cho bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thi Phường, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) dùng trùn quế làm thức ăn cho bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng qua tìm hiểu từ Internet, biết được trùn quế là thức ăn bổ dưỡng cho bò và gà, nên bà Phường mạnh dạn triển khai mô hình nuôi liên kết giữa bò - trùn quế - gà. Bình quân mỗi năm, bà Phường nuôi 40 con bò cái sinh sản, 5.000 con gà thịt và 500m2 trùn quế.  “Ưu điểm của mô hình liên kết là hỗ trợ qua lại cho nhau, trùn quế là nguồn thức ăn của bò và gà, phân bò, phân gà là nguồn thức ăn của trùn quế, nên việc nuôi kết hợp này rất hiệu quả. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, mô hình chăn nuôi liên kết đã mang về cho gia đình tôi nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng”, bà Phường chia sẻ.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lân Trần Thị Thu Hà cho biết: “Mô hình chăn nuôi liên kết bò - trùn quế - gà của gia đình bà Nguyễn Thị Phường rất hiệu quả. Nhờ năng động học hỏi những kinh nghiệm hay trên mạng Internet đã giúp bà Phường vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.
 
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ 
 
Trong một lần tình cờ đọc được thông tin về chim trĩ trên Internet, anh Huỳnh Phương Duy, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) đã tìm tòi, nghiên cứu khâu chọn giống, thức ăn, cách chăm sóc. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt khâu vệ sinh chuồng trại và tiêm vắcxin phòng bệnh định kỳ, từ 20 con chim trĩ nuôi ban đầu, đến nay anh Duy đã sở hữu khoảng 300 con chim trĩ xanh, đỏ. 
Mô hình nuôi chim trĩ của anh Huỳnh Phương Duy, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức).
Mô hình nuôi chim trĩ của anh Huỳnh Phương Duy, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức).
Anh Duy bày tỏ: “Làm gì cũng cần có kiến thức và chịu khó tìm hiểu, mà Internet là một kênh học tập rất hữu ích. Hơn nữa, anh em còn thành lập hội nuôi chim trĩ trên mạng xã hội để liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau”.
 
Từ các trang mạng xã hội, anh Duy còn quảng bá sản phẩm của mình, nhờ đó mà thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. “Đơn đặt hàng phần lớn từ các trang mạng xã hội, nên đầu ra tôi không lo. Nhiều tiểu thương, nhà hàng yêu cầu cung cấp trứng, thịt, giống chim trĩ số lượng lớn, nhưng hiện nay không đủ cung cấp. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích, tăng đàn để nâng cao nguồn thu nhập”, anh Duy cho biết thêm.
 
Bài, ảnh: MỸ DUYÊN
 
 
 
 

.