Nhiều trang trại chăn nuôi: Điêu đứng vì thiếu nước

09:07, 23/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 1 tháng nay, do nắng nóng kéo dài, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh thiếu nước triền miên...
Phát triển kinh tế trang trại tại thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) từ năm 1992, ông Phạm Trung Trường, chủ trang trại chăn nuôi lớn nhất huyện Bình Sơn chia sẻ: “Từ năm 1992 đến giờ, năm nay trang trại của tôi mới rơi vào tình cảnh thiếu nước sản xuất. Khu vực cấp nước sản xuất đột ngột cạn kiệt, khiến cả tháng nay, tôi phải tích cực đóng giếng để tìm kiếm nguồn nước thay thế. Nhưng kết quả, chẳng lấy gì làm khả quan”. 
 
Các trang trại nuôi heo công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước.
Các trang trại nuôi heo công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước.
Trước đây, để có nước sản xuất phục vụ trang trại nuôi heo công nghiệp 4.500m2, với quy mô 6.000 con/năm và 5ha diện tích ao nuôi cá nước ngọt, ông Trường đã xây dựng đập nước và lắp đặt đường ống dài 1,6km để dẫn nước từ núi Đồng Tranh về. Theo ông Trường, từ trước đến nay, nhờ vào hệ thống nước này, trang trại của ông luôn chủ động về nguồn nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do nắng nóng kéo dài, nên đập nước trên núi Đồng Tranh dần cạn kiệt, khiến ông phải tạm ngưng nuôi 5ha cá nước ngọt.
 
“Để duy trì hoạt động của trang trại, từ đầu năm đến nay, tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng để khoan giếng. Song, khoan 5 giếng thì chỉ 3 giếng có nước. Lượng nước tại 3 giếng này cũng không nhiều, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thêm 1 tháng nữa, e rằng, trang trại nuôi heo của tôi sẽ khó “cầm cự” được vì thiếu nước”, ông Trường chia sẻ.
 
Không chỉ riêng trang trại của ông Trường, mà tình trạng thiếu nước sản xuất cũng đang diễn ra tại nhiều trang trại quy mô tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Việc bị động về nguồn nước phục vụ sản xuất, khiến các chủ trang trại lớn nhỏ phải loay hoay tìm giải pháp để vượt qua mùa hạn. Nhất là tại các trang trại nuôi heo công nghiệp, nhu cầu vệ sinh chuồng trại, nước làm mát để cân bằng nhiệt tại khu vực nuôi là rất lớn. 
 
“Với quy mô 4.000 con/lứa, bình quân mỗi ngày, trang trại cần ít nhất 40.000 lít nước. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, hai giếng nước có tổng kinh phí đầu tư gần 300 triệu đồng để phục vụ cho trang trại đã chính thức... trơ đáy", Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kinh doanh Đức Hòa (chủ đầu tư dự án Trang trại chăn nuôi heo Đức Hòa, huyện Mộ Đức) Khưu Thị Ngọc Bích cho biết.
 
Để đối phó với tình trạng thiếu nước sản xuất, nhiều chủ trang trại phải “cắt giảm” lượng nước sử dụng để vệ sinh chuồng trại; đồng thời, tăng cường hệ thống quạt làm mát để cân bằng nhiệt tại khu vực nuôi. Tuy nhiên, theo nhiều chủ trang trại, cách làm này vừa khiến chủ đầu tư gánh thêm chi phí, vừa không phải là giải pháp bền vững.
 
“Từ tháng 5.2020 đến nay, sau khi giếng nước phục vụ cho trang trại cạn khô, tôi đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng đóng thêm 3 giếng khác. Nhưng 3 giếng nước này, dù hoạt động hết công suất, cũng vẫn không bằng giếng cũ, không đủ cung ứng nước cho trang trại. Do vậy, hiện tại, tôi phải tăng cường vận hành hệ thống quạt làm mát để cân bằng nhiệt tại chuồng nuôi. Tiền điện vì vậy mà tăng từ 15 - 20% so với trước”, ông Võ Văn Nha, chủ trang trại heo công nghiệp tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho biết.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.